Kinh tế quý IV/2023: Động lực nào để về đích tăng trưởng?

(BĐT) - ADB vừa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023. Tại Báo cáo kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 2/10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá, tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam sẽ chững lại, còn 4,7% năm 2023. Để tăng trưởng thực tế vượt qua các mốc dự báo thấp đòi hỏi nỗ lực từ nhiều khu vực kinh tế, trong đó, khu vực có vai trò “đầu tàu” - TP.HCM cần khai phóng động lực tăng trưởng mạnh hơn.
TP. HCM đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ nhanh các vướng mắc để giải phóng các động lực tăng trưởng. Ảnh: Tường Lâm
TP. HCM đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ nhanh các vướng mắc để giải phóng các động lực tăng trưởng. Ảnh: Tường Lâm

Các kịch bản tăng trưởng và thách thức

Mức dự báo tăng trưởng 5,8% của năm 2023 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4/2023, chủ yếu do tác động từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, ADB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại. ADB khuyến nghị, trong ngắn hạn, Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

WB dự báo tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam ở mức 4,7% trong năm 2023 với lý do tiêu dùng tư nhân yếu đi, thị trường bất động sản ảm đạm và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh. Mặc dù tăng trưởng chững lại, nhưng WB cho rằng, tỷ lệ nghèo dự kiến giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3,0% trong năm 2023.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Với kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, tạo đà cho năm 2024 và các năm tới.

“Đầu tàu” kinh tế TP. HCM: Hai trụ cột thúc đẩy tăng trưởng

Là địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước, đóng góp 15,5% vào tăng trưởng GDP quốc gia (năm 2022), TP. HCM ghi nhận kết quả quý III/2023 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, GRDP quý III/2023 ước tăng 6,71%, theo đó GRDP 9 tháng ước tăng 4,57%. Theo tính toán của Cục Thống kê TP.HCM, để đạt tăng trưởng 7,5% cho cả năm 2023, trong quý IV, TP.HCM phải tăng trưởng trên 11%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP. HCM đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ nhanh các vướng mắc để giải phóng các động lực tăng trưởng.

Cụ thể, quý IV/2023, TP.HCM cần giải ngân khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức phiên họp chuyên đề về đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, trong đó bàn giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân đầu tư công.

9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của TP.HCM. Dù vậy, trong 9 ngành dịch vụ, lĩnh vực bất động sản vẫn tăng trưởng âm, giảm khoảng 8,71%. Bất động sản suy giảm kéo theo ngành xây dựng giảm, vì vậy thị trường bất động sản cũng là một nút thắt cần sớm tháo gỡ.

Lãnh đạo TP.HCM xác định, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa phục hồi, chi tiêu công và chi tiêu nội địa là 2 trụ cột để vực dậy tăng trưởng. Trong nhiệm vụ quý IV, TP. HCM sẽ tập trung khơi thông các động lực này để tạo đà cho tăng trưởng mạnh hơn.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai cho rằng, TP. HCM cần chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó đẩy mạnh tốc độ đầu tư công. Kế đến là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt cần có giải pháp tháo gỡ thực chất nút thắt thị trường bất động sản.

Ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam thì kiến nghị, cần kích cầu thị trường nội địa nhằm tạo trợ lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ. Cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, kích cầu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, TP.HCM cần chú trọng gỡ khó cho lĩnh vực xây dựng dân dụng và thị trường bất động sản.

Chuyên đề