Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó công tác quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, những tồn tại, hạn chế chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Đoàn giám sát và nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tiên
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” cho thấy, trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, bao gồm 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt.

Qua giám sát, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác lập quy hoạch được chỉ ra. Đơn cử, Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới nên cơ quan trình, soạn thảo, thẩm tra, các cơ quan phối hợp chưa lường được hết tác động, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dẫn đến có quy định còn bất cập, chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu khác nhau hoặc chưa phù hợp với thực tiễn…

Công tác chỉ đạo thi hành Luật của một số bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt. Lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh nhiều quy hoạch được lập đồng thời với phương pháp, cách tiếp cận mới...

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Cụ thể, kiến nghị cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành. Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Về giải pháp trong trung và dài hạn, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), cần có quy định về thời hạn phải hoàn thành cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, cân nhắc phương pháp xây dựng phần mềm thống nhất để các địa phương nhập liệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị Quốc hội cân nhắc cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch và hoàn thành quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 đối với quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lưu ý đối với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản trong năm 2023 phải hoàn thành. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm có kế hoạch, chương trình phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể để đảm bảo tiến độ hoàn thành các quy hoạch trên.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chất lượng của quy hoạch cần phải được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng lợi thế, cạnh tranh của quốc gia. Đặc biệt, phải tạo được động lực để nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ ưu tiên hoàn thành quy hoạch cấp quốc gia và một số quy hoạch quan trọng cấp bách trong năm 2022; các quy hoạch khác được triển khai, hoàn thành dứt điểm trong năm 2023. Thời gian tới, sẽ tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật Quy hoạch, trong đó chú trọng nâng cao năng lực của đơn vị tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đổi mới, hoàn thiện phương pháp và nội dung quy hoạch nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng quy hoạch mà Quốc hội đã đề ra.

Chuyên đề