Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, sử dụng hàng triệu lao động, tổng doanh thu lớn, có tiềm năng trở thành doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm |
Đưa hộ kinh doanh vào luật
Đề cập về sự cần thiết bổ sung HKD vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo cho biết, theo quy định hiện hành, địa vị pháp lý của HKD còn thiếu rõ ràng do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DN. Điều này đã làm hạn chế đáng kể khả năng huy động nguồn lực đầu tư của mô hình kinh doanh này. Do đó, dự thảo lần này sửa đổi Điều 1 để bổ sung HKD vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN và xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với HKD.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN bổ sung Chương VIIa về HKD (bao gồm Điều 187b, 187c) theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD bên cạnh các loại hình khác là DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. HKD là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện cho gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với HKD; không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức HKD.
Theo Dự thảo Luật, HKD là cơ sở kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập. Trường hợp hộ gia đình đăng ký thành lập HKD, tất cả thành viên hộ gia đình phải ủy quyền cho một thành viên theo quy định pháp luật dân sự để đứng tên đăng ký thành lập HKD.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở KH&ĐT Hải Dương, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư nêu quan điểm: “Luật Đầu tư không quy định về đối tượng này; Luật DN cũng không nêu về HKD mà loại hình này chỉ được nêu ở Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cho phép chuyển đổi HKD thành DN. Vậy vấn đề chuyển đổi HKD thành DN cần phải được đặt ra và xem xét cụ thể, nghiêm túc; đồng thời có cách thức ứng xử phù hợp với HKD để họ lớn lên thành DN”.
Tạo điều kiện thuận lợi khi chuyển đổi thành DN
Nhắc đến tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, môi trường thuận lợi sẽ là điều kiện tốt nhất tạo đà phát triển khu vực HKD để họ muốn lớn lên trở thành DN. Vì vậy, những gì đang là rào cản, cản trở quyền tự do kinh doanh của HKD phải được gỡ bỏ.
Cơ quan xây dựng Luật đã đề xuất cơ chế thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho các HKD chuyển đổi thành DN. Cụ thể, Điều 199a Dự thảo Luật bổ sung quy định HKD có thể chuyển đổi thành DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quyết định của chủ HKD.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Dự thảo Luật nêu rõ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký DN nếu có đủ các điều kiện. Đồng thời, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định cũng như cập nhật tình trạng pháp lý của DN được chuyển đổi trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.
Đồng tình với đề xuất của Dự thảo Luật, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Chúng ta đang có lực lượng HKD khá đông đảo. Chính thức hóa được các HKD thành DN thì phần đóng góp của họ chính là sự đóng góp cho kinh tế đất nước”. Bên cạnh việc cần thiết phải tạo lập cơ chế để các HKD “nâng tầm”, ông Lộc cho rằng, chế độ kế toán, chính sách thuế và thủ tục hành chính khác đối với DN siêu nhỏ cũng cần được sửa đổi phù hợp nhằm đảm bảo họ có thể phát triển thuận lợi, nhưng vẫn đảm bảo về quản lý nhà nước.
“Các HKD hiện không muốn thành DN vì quy định pháp lý hiện nay đối với các DN siêu nhỏ quá nặng nề. Các DN siêu nhỏ cũng phải thực hiện chế độ kế toán như DN lớn, chế độ thuế nặng nề cùng với thanh tra, kiểm tra rất phức tạp”, ông Lộc chia sẻ.