Khơi thông nguồn vốn xanh cho phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sản xuất xanh đang là mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, nhưng việc chuyển đổi xanh lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp hữu hiệu để khơi thông, thúc đẩy nguồn vốn xanh, giúp sớm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Tiên
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng từng chia sẻ, với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là lựa chọn tất yếu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Thực tế, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu Net - Zero rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

Chia sẻ tại Diễn đàn Hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 9/10, ông Lê Hoàng Lân, Vụ Tài chính, tiền tệ thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, tại Việt Nam, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới với các dự án ứng dụng những giải pháp xanh từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và phân phối, như sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, điện mặt trời, xe nâng điện, đóng gói tự động... Để đạt được mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt là thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân, cần có lộ trình cụ thể và huy động đủ các nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh.

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, doanh nghiệp chuyển đổi xanh trong sản xuất là đòi hỏi, sức ép của thị trường, cũng là lợi ích của doanh nghiệp trong hiện tại và lâu dài. Nếu doanh nghiệp không sản xuất ra các sản phẩm xanh thì khó có thể xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính (đơn cử thị trường châu Âu).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Ông Lê Hoàng Lân cho biết, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh; nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.

Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ, doanh nghiệp rất thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh. Mặt khác, khi tiếp cận được các đơn vị cấp tín dụng xanh thì có một số chi phí thực tế phát sinh (ngoài chi phí lãi suất, có thể có thêm các chi phí như phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ...). Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản bảo đảm mà yêu cầu doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Một khó khăn khác được bà Hoàn chỉ ra là, tiêu chí về các dự án xanh được cấp tín dụng cũng chưa cụ thể, rõ ràng, có sự khác nhau giữa các đơn vị cấp tín dụng...

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh...

Về phía các tổ chức tín dụng, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra thách thức trong vấn đề phê duyệt khoản vay tín dụng xanh như: chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (ưu đãi thuế, phí; về hạn mức tín dụng; về lãi suất...). Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm) với chi phí đầu tư lớn..., trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.

Để khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng xanh, bà Diệp Thị Kim Hoàn cho rằng, cần phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng; có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh... Tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên. Doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng những chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, ADB…

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ cho biết, các quỹ đầu tư luôn đi theo xu hướng của thị trường, do đó ưu tiên hàng đầu là hợp tác với các doanh nghiệp tốt, xanh là một tiêu chí. Tuy nhiên, không phải cứ “làm xanh” là được đầu tư, vì trong kinh doanh cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, họ có thể mang lại lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Từ câu chuyện Quỹ A+ đang làm việc với một số quỹ lớn và thực tế quỹ lớn thường nhắm tới các dự án có giá trị tối thiểu 50 triệu USD, ông Hoàng nhấn mạnh, “tiền đang rất sẵn, quan trọng là làm thế nào để tiếp cận”. Để có khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, các chủ doanh nghiệp và giám đốc tài chính cần nắm rõ tiêu chí xanh của ngành mình. “Cần hiểu tại sao quỹ cần mình và tại sao mình cần quỹ, cũng như lợi thế cạnh tranh của mình là gì. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần xác định rõ lộ trình phát triển, nhu cầu vốn, cũng như hiểu tiêu chí của quỹ xanh có thể đi đến hợp tác, nhận vốn từ quỹ”, ông nói.

Chuyên đề