Minh bạch hoá thông tin của các DNNN sẽ giúp cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi |
Trong số các doanh nghiệp gửi báo cáo, cũng không nhiều đơn vị gửi đầy đủ. Hành trình minh bạch hóa hoạt động của các DNNN vẫn gập ghềnh, nhiều trở ngại. Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Mặc dù đã có quy định về việc DNNN phải công bố thông tin nhưng vẫn có rất nhiều đơn vị không thực hiện, hoặc có công bố nhưng chỉ để đối phó. Có vẻ nhiều DNNN vẫn “ngại” minh bạch. Nguyên nhân sâu xa của việc này là gì, thưa Tiến sĩ?
Chúng ta biết rằng, tái cấu trúc DNNN là một trong ba trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế, còn công khai hoá, minh bạch hoá thông tin lại là một trong những trụ cột của quá trình tái cấu trúc DNNN. Việc tăng cường công khai hoá, minh bạch hoá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như toàn xã hội giám sát hoạt động của các DNNN, từ đó tạo sức ép để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn còn một khoảng cách khá xa từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến khâu thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương, và do đó, nhiều DNNN vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về công khai hoá, minh bạch hoá thông tin đã được ban hành.
Có hai nhóm nguyên nhân chính. Từ phía doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nên không muốn công khai hoá, minh bạch hoá tình hình tài chính của mình. Từ phía Nhà nước, các chế tài đi kèm với các quy định bắt buộc DNNN công khai hoá, minh bạch hoá thông tin còn thiếu, hoặc có nhưng chưa đủ mạnh. Cũng có thể, việc che giấu hoặc không muốn minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh là cách để tránh những rắc rối từ công luận, cơ quan chủ quản và bộ máy quản lý DNNN.
Chắc chắn là các nhà đầu tư sẽ chỉ tham gia tích cực vào quá trình cổ phần hoá DNNN khi nắm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp mà họ muốn mua cổ phần. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân khác khiến cho quá trình cổ phần hoá thời gian qua diễn ra chậm chạp. Việc Nhà nước chỉ bán một lượng nhỏ cổ phần và vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại các DNNN lớn sau cổ phần hoá cũng là nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư kém mặn mà với quá trình cổ phần hoá. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như diễn biến thị trường chứng khoán kém thuận lợi hay các vướng mắc liên quan đến việc định giá doanh nghiệp vẫn còn chưa được giải quyết...
Như vậy, có thể nói công khai, minh bạch là một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của hoạt động cơ cấu lại DNNN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững?
Đúng là như vậy. Việt Nam hiện vẫn là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn, nhưng các nguồn lực trong nước là có hạn và đang bị nợ xấu cũng như nợ công bào mòn. Việc vay nợ thêm là rất rủi ro, thậm chí là không thể vì khả năng trả nợ của Chính phủ hiện tại rất hạn chế. Bởi vậy, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một mặt phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Mặt khác phải đẩy mạnh quá trình thoái vốn tại các DNNN, từ đó có thêm nguồn lực cho việc tháo gỡ các nút thắt về kết cấu hạ tầng, giao thông.
Việc minh bạch hoá và công bố công khai thông tin về hoạt động của DNNN sẽ tạo cơ sở để Nhà nước giám sát việc sử dụng nguồn lực tại các doanh nghiệp này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực quốc gia. Đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách điều hành kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay, có vẻ như chế tài xử phạt vi phạm vẫn chưa đủ mạnh để buộc các DNNN phải nghiêm túc trong minh bạch thông tin. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Các chế tài xử phạt vi phạm trách nhiệm công bố thông tin đã được quy định cụ thể tại Điều 23 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP và Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP. Trong đó, hình thức xử phạt bằng tiền là biện pháp có thể thực hiện được ngay trong thực tế. Tuy nhiên, theo tôi, việc phạt tiền các doanh nghiệp sẽ không mang lại kết quả, vì tiền của các DNNN là tiền của dân, và do đó sẽ không có tác động đến quyết định công khai hoá, minh bạch hoá thông tin của doanh nghiệp.
Muốn đẩy mạnh công khai hoá, minh bạch hoá thông tin, cần có những chế tài đủ mạnh để quy trách nhiệm đối với ban lãnh đạo của DNNN trong trường hợp không công khai hoá, minh bạch hoá thông tin. Giải pháp này đã được nhắc đến từ lâu và tại Nghị định 81 cũng có quy định áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp công bố thông tin không đầy đủ, không kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sản xuất kinh doanh hoặc gây thất thoát vốn nhà nước… Như vậy, chế tài cũng đã có, nhưng muốn làm nghiêm, làm mạnh thì cần quyết tâm rất lớn của Chính phủ, thậm chí của cả hệ thống chính trị.
Theo ông, báo chí đóng vai trò thế nào trong công cuộc đẩy mạnh công khai hoá, minh bạch hoá thông tin của các DNNN?
Rõ ràng, vai trò của báo chí là rất quan trọng. Các thông tin chính xác, kịp thời về các DNNN chỉ đến được với người dân nhờ báo chí và sức ép của xã hội đối với các DNNN cũng chủ yếu được thực hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng, phản ánh thực trạng đời sống kinh tế, trong đó bao gồm tình hình sức khỏe của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý. Thời gian qua, báo chí đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.