Khi doanh nghiệp ngoại đạo lấn sân thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề lao đao thì bất động sản giai đoạn này lại ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng. Trong “cơn say” bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngoại đạo rục rịch triển khai nhiều dự án.
Công ty CP Quốc tế Sơn Hà công bố quay lại mảng bất động sản
với phân khúc mới - bất động sản công nghiệp. Ảnh: Song Lê
Công ty CP Quốc tế Sơn Hà công bố quay lại mảng bất động sản với phân khúc mới - bất động sản công nghiệp. Ảnh: Song Lê

Những con số lợi nhuận hào nhoáng khiến bất động sản trở thành miếng phô mai hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp ngoại đạo nhảy vào dù trước đó đã từng sa lầy. Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam là một ví dụ điển hình của những doanh nghiệp nông nghiệp lấn sân sang làm bất động sản.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, ban lãnh đạo Dabaco nhấn mạnh, trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2020 - 2025, ngoài các lĩnh vực cốt lõi, Công ty sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội để triển khai dự án bất động sản nhằm tối đa hóa lợi ích.

Dabaco sẽ tập trung rà soát, đầu tư hoàn chỉnh các dự án xây dựng dở dang gồm toà nhà hỗn hợp Lotus Central 15 tầng và toà nhà 29 tầng tại TP. Bắc Ninh; hạ tầng Cụm công nghiệp dịch vụ và làng nghề Khúc Xuyên. Bên cạnh đó, Công ty còn triển khai các dự án đã được phê duyệt như Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Khắc Niệm, Bắc Ninh; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư vào thời điểm thích hợp đối với Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại Bắc Ninh…

Bất động sản không phải là lĩnh vực mới với Dabaco, bởi năm 2010, doanh nghiệp này đã tham gia vào thị trường với dấu mốc thành lập Công ty TNHH Bất động sản Dabaco (Dabaco Land), vốn điều lệ 70 tỷ đồng do Dabaco nắm 100% vốn. Ngay sau đó, Dabaco triển khai hàng loạt dự án tại Bắc Ninh cùng với đẩy mạnh đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, sau đó 7 năm, Dabaco đã phải dứt ruột bán đi đứa con Dabaco Land để bù vào khoản lỗ “khủng” trong giai đoạn đó.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi mới đây công bố quay lại mảng bất động sản. Trong quá khứ (năm 2011), Sơn Hà đã từng mất 600 tỷ đồng khi rót vốn vào địa ốc. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty khi đó hứa với cổ đông rằng sẽ không quay lại bất động sản trong vòng 5 năm nữa.

Việc mở rộng đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp ngoài ngành là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong bối cảnh cung cầu lệch pha. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, Ban lãnh đạo Sơn Hà cho biết, Công ty sẽ mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp với mục tiêu chính là xây dựng các cụm, khu công nghiệp phục vụ doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI.

Trong quá khứ, những bài học đắt giá về đầu tư vào bất động sản của một số đại gia tên tuổi như Mai Linh, Lã Vọng, hay Hoa Sen vẫn còn đó. Liệu Dabaco và Sơn Hà có đi theo vết xe đổ của “đàn anh” và của cả chính mình?

Bức tranh tài chính của Dabaco cho thấy, trong cơ cấu tài sản tính đến cuối quý II/2020, nợ phải trả là 6.375 tỷ đồng, chiếm đến 63% tổng nguồn vốn. Trong đó, riêng vốn ngắn hạn là 4.583 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu ghi nhận 3.713 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là giá trị hàng tồn kho của Dabaco trong vòng 3 năm trở lại đây liên tục tăng. 6 tháng đầu năm 2020, giá trị hàng tồn kho của Dabaco là 3.629 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong năm 2019, tồn kho của Dabaco là 3.128 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018. Năm 2018, tồn kho của Dabaco tăng 32% so với năm 2017 và năm 2017 cũng tăng 5,5% so với năm 2016.

Chỉ số hàng tồn kho và nợ của Dabaco đều lớn khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi về khả năng tham gia thị trường bất động sản vốn dĩ cần nhiều vốn.

Đối với trường hợp của Sơn Hà, cái khó của doanh nghiệp này khi quay lại thị trường bất động sản trong giai đoạn Công ty không có nhiều thuận lợi nhất. Nếu như doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2018 tăng trưởng rất mạnh mẽ thì đến năm 2019, doanh thu của Công ty chỉ tăng nhẹ 6% và lợi nhuận giảm về mốc 105 tỷ đồng, bằng với mức của năm 2017. Cơ cấu nguồn vốn của Sơn Hà cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, riêng 2 quý đầu năm 2020, nợ phải trả của Sơn Hà là 2.663 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Việc mở rộng đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp ngoài ngành là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong bối cảnh cung cầu lệch pha. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, một mặt giúp doanh nghiệp tối đa hoá lợi ích khi bỏ trứng vào nhiều rổ. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ, gây ra nợ xấu và tổn thương thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn cho bất động sản bị siết chặt.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư