Nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đã giảm từ 15.000 tỷ đồng thời điểm 31/12/2014 xuống còn 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tư lệnh ngành KH&ĐT cũng khẳng định không có chuyện xin - cho trong phân bổ vốn tại Bộ KH&ĐT.
Đã hạn chế đầu tư dàn trải
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, sau năm 2014, các bộ, ngành trung ương, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), nếu để phát sinh coi như một vi phạm pháp luật và bị xử lý. Từ 31/12/2014 trở về trước, nợ XDCB khoảng 11.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương đã bố trí đủ vốn để xử lý hết nợ đọng đó. Từ 1/1/2015, tất cả các khoản đầu tư của ngân sách trung ương không còn nợ XDCB. Còn phần đầu tư từ ngân sách địa phương thì địa phương phải có trách nhiệm xử lý.
Riêng về nợ đọng XDCB chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số nợ đọng XDCB đến 31/12/2014 là 15.000 tỷ đồng, đến nay đã xử lý và giảm xuống còn nợ 9.000 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2020 phải thanh toán được hết nợ XDCB.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục tiêu của Luật Đầu tư công là chống đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, nợ đọng XDCB. Việc thực hiện Luật này trong thời gian qua đã góp phần tăng cường quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu: từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, triển khai giám sát thực hiện đến kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình…
“Việc lập, bổ sung, giao kế hoạch cũng được quản lý một cách chặt chẽ. Trước đây tùy tiện nhiều, nhiều dự án đề xuất kém hiệu quả, không sát thực tế, nay được thiết kế lại để đảm bảo dự án sát thực tế, sát khả năng hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Việc bố trí vốn được tập trung hơn trước. Tư lệnh ngành KH&ĐT dẫn chứng, trước đây đề xuất dự án thường gấp 3 lần khả năng cân đối thực tế, nên việc bố trí vốn dàn trải. Hiện nay số dự án giảm đi rất nhiều. Trước đây, mỗi năm có rất nhiều dự án, năm 2013 có khoảng 15 - 16 nghìn dự án, đến nay chỉ có 5.000 dự án, việc bố trí vốn tập trung hơn.
Không có chuyện xin - cho
Trước câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội là Luật Đầu tư công có đi ngược lại cơ chế phân cấp, kéo việc về cho Bộ KH&ĐT, tạo cơ chế xin - cho, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tất cả việc lựa chọn, quyết định dự án đều do bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng và đề xuất căn cứ vào nguồn lực, quy hoạch, chiến lược phát triển của bộ, ngành, địa phương mình. Bộ KH&ĐT chỉ làm việc hướng dẫn xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ. Sau đó hướng dẫn tổng hợp, rà soát, báo cáo lên Chính phủ, Chính phủ quyết định, báo cáo Quốc hội, Quốc hội phê chuẩn thông qua thì quay ngược trở lại Chính phủ quyết định giao và Bộ KH&ĐT thông báo chi tiết. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với quy trình này không có chuyện xin - cho, chạy chọt ở Bộ KH&ĐT.
Quá trình phân bổ vốn theo quy định Luật Đầu tư công được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các bộ, địa phương, không gây phiền hà và tạo quyền chủ động cho các địa phương. “Tinh thần của Luật Đầu tư công là hài hòa, tạo quyền chủ động cho bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phân bổ gần hết, chỉ còn lại 12,5%. Về kế hoạch năm 2017, đã giao rất sớm, hiện chỉ còn 1,5% chưa giao này là của một số dự án chương trình biến đổi khí hậu và một số chưa làm xong thủ tục sắp tới sẽ trình hết.
Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công. Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp các vướng mắc hiện nay, có kế hoạch rà soát toàn bộ các quy định của các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công sớm báo cáo Chính phủ sửa đổi theo hướng đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ nhưng vẫn thuận lợi và dễ thực hiện. Những vấn đề sửa đổi liên quan đến Luật sẽ báo cáo Quốc hội.
Tư lệnh ngành KH&ĐT nghiêm túc nhận trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc tham mưu các cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện Luật Đầu tư công chưa đầy đủ, kịp thời. Bộ cũng nhận trách nhiệm khi chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý các trường hợp xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trước tình trạng nhu cầu đầu tư lớn, nguồn lực hạn chế, từ góc độ là cơ quan tham mưu, Bộ nhận trách nhiệm chưa kịp thời hướng dẫn các địa phương để cân đối nguồn lực phù hợp, hoàn thành được công trình. “Chúng tôi đã rất cố gắng, vấn đề đã được khắc phục một phần, nhưng chưa được triệt để. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp căn cơ hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.