Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Cơ bản đảm bảo thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp
Tiếp tục truyền thông điệp “DN, nhất là DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”, thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là việc thực thi hiệu quả Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014. Đây là các luật có những cải cách lớn được giới kinh tế, các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Để thực hiện những cải cách đó, ngay từ khi hai luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành Luật, đặc biệt là công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thành trước ngày 1/7/2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 không phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư để xem xét loại bỏ, hoặc sửa đổi các điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của các DN, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các văn bản này theo đúng thẩm quyền.
Thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, Việt Nam có khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh do nhiều bộ, ngành ban hành. Đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra: “Hiện có 7.000 giấy phép con đang “hành” DN, một nửa trong số đó không còn căn cứ pháp lý để tồn tại”.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay, hệ thống các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 đã cơ bản hoàn thiện, tạo cơ sở vững chắc cho việc đảm bảo thực thi kể từ ngày 1/7 tới đây. Số liệu của cơ quan này cho hay, tính đến thời điểm đầu tháng 6/2016, đã có 17 bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản; phối hợp, tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện văn bản.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện của Tổ công tác Thi hành Luật Đầu tư và Luật DN cho biết, đến nay, tất cả các văn bản hướng dẫn đã được trình hết lên Chính phủ. Với tiến độ này, tôi tin tưởng rằng những nỗ lực này đang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo thực hiện nhất quán, đồng bộ giữa hai Luật, tránh tạo ra những khoảng trống pháp lý, gây rủi ro, đình trệ trong hoạt động của DN, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Chấm dứt “giấy phép con” bằng thay đổi tư duy
Đồng tình với quan điểm “không để có các giấy phép con, tạo thêm các điều kiện, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo phải cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN.
Nhìn lại một loạt hành động của Chính phủ trong thời gian qua trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DN từ việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, chúng ta thấy rằng, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.
Để tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ, nhất quán những quy định của Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014. Trong đó, việc thực hiện nghiêm chỉnh điều kiện về tự do kinh doanh và bỏ ngay những điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, bãi bỏ ngay những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không còn hợp pháp là vô cùng cần thiết. Đây là những yêu cầu căn bản để hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.