Quyết liệt dẹp giấy phép con

(BĐT) - Tổ công tác Thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa chính thức đi vào hoạt động, thể hiện tinh thần đưa chủ trương đổi mới và minh bạch của 2 luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng sẽ góp phần giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng sẽ góp phần giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Phải làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Tổ trưởng Tổ Công tác kiên quyết yêu cầu toàn thể Tổ công tác phải vào cuộc rốt ráo ngay từ đầu năm với việc phân nhóm làm việc theo từng nội dung cụ thể, hoạt động theo cơ chế độc lập nhằm đảm bảo kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực thi luật. “Phải phân công công việc cho thành viên Tổ rõ ràng, có cơ chế độc lập để các nhóm làm, 6 tháng họp 1 lần, cái gì cần trình thì sẽ trình báo cáo Thủ tướng tìm hướng giải quyết. Phải như vậy mới làm được!”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dứt khoát.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các nhóm làm việc khi cần thiết sẽ phải làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành để cùng tìm giải pháp cho các vấn đề đang còn treo như hàng nghìn văn bản quy định điều kiện kinh doanh do các bộ trưởng ban hành sẽ được xử lý thế nào trước ngày 1/7/2016 là thời hạn phải hoàn thành chỉnh sửa. “Liệu có cần phải ban hành riêng một nghị định sửa toàn bộ các văn bản này không để có thể giải quyết triệt để vấn đề? Tổ sẽ có nhiệm vụ phải đề xuất các giải pháp giải quyết làm sao vừa tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhưng không gây phương hại đến quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu.

Liên quan đến những vướng mắc do bất cập và mâu thuẫn giữa các văn bản, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ đạo cần bình tĩnh gỡ từng nút thắt. “Khi 2 luật này được ban hành, chúng ta đã lường trước sẽ có vướng mắc do cách tư duy, cách tiếp cận của chúng khác với những luật khác. Sự xuyên suốt của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, lĩnh vực nào cấm và không cấm đều đã công khai, trong khi nhiều văn bản quy định về điều kiện vẫn còn tồn tại và tiếp tục được ban hành, vì vậy sẽ có vướng mắc và cần phải bình tĩnh xử lý. Những vướng mắc cản trở phát triển thì làm trước, làm chặt chẽ, nền tảng, rồi đổi mới dần. Nguyên tắc làm là nhìn luật mình, luật khác, nhưng bất biến là tạo ra sự lành mạnh để thúc đẩy phát triển, không để phiền hà gây khó khăn cho người dân, còn những cái khác sẽ có thể thay đổi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ đạo.

Băn khoăn về điều kiện cấp đăng ký kinh doanh

Bên cạnh việc phân nhóm làm việc theo cơ chế độc lập, với việc công bố công khai các số điện thoại hotline trực tiếp, tinh thần đẩy mạnh thực thi luật và kịp thời nắm bắt giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện đã trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác. Đặc biệt, việc công bố số điện thoại hotline của các nhóm công tác phải được thực hiện công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo các vướng mắc trong thực thi hai luật này sẽ đến đúng được cơ quan thụ lý giải quyết và kịp thời.

Theo đánh giá của các thành viên Tổ công tác, hiện nay vướng mắc phát sinh phần lớn ở các nội dung cần sự phối hợp giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Tổ công tác, vướng mắc lớn và gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là việc thực thi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Tại cuộc họp lần đầu tiên của Tổ công tác, ông Hùng cho biết, hiện nay Vụ Pháp chế đang nhận được nhiều câu hỏi về việc cấp đăng ký kinh doanh cho nhiều ngành nghề chưa có quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh nọc côn trùng của nhiều doanh nghiệp. “Đây liệu có phải ngành nghề bị cấm không, nọc côn trùng có phải là hóa chất bị cấm không? Câu hỏi này đã được chúng tôi chuyển tới cơ quan hữu quan song cho đến giờ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền từ chối yêu cầu của nhà đầu tư với các ngành nghề chưa có trong các danh mục trên. Nhưng trong trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh ở địa phương chưa dám trả lời”, ông Hùng phản ánh.

Theo nhận định của Tổ công tác, đến nay, việc rà soát các điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền của các bộ, ngành khá chậm chạp. Số bộ, ngành hoàn tất việc rà soát vẫn còn rất ít. Ngoài ra, đáng lo ngại là vẫn còn nhiều bộ, ngành trong thời gian vừa qua vẫn tiếp tục ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán… Do đó, việc đẩy nhanh hoàn thiện rà soát các điều kiện kinh doanh cũng như ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh còn thiếu sẽ là công việc cấp thiết cần triển khai ngay trong kế hoạch làm việc của Tổ công tác trong thời gian trước mắt.

Chuyên đề