Hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu trên nhiều bình diện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về những việc đã làm được năm 2022 và định hướng trong năm 2023 để hoàn thiện, làm tốt hơn nữa công tác quản lý đấu thầu ở Trung ương.
Sau 3 tháng đưa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới vào hoạt động, đã có khoảng 35.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 216.438 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Sau 3 tháng đưa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới vào hoạt động, đã có khoảng 35.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 216.438 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Là đơn vị chủ lực giúp Bộ KH&ĐT thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đấu thầu ở Trung ương, ông đánh giá thế nào về những kết quả Cục QLĐT đạt được năm 2022?

Về tổng thể, năm 2022, Cục QLĐT đã hoàn thành khối lượng lớn công việc quản lý nhà nước về đấu thầu, trên nhiều mặt, từ việc tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư; thẩm định, kiểm tra, giám định, tổng kết, đánh giá về đấu thầu, đầu tư... đến hợp tác quốc tế về đấu thầu, đầu tư. Đặc biệt, Cục QLĐT đã kịp thời tham mưu xây dựng, hướng dẫn theo thẩm quyền để thực hiện nhiều giải pháp, chính sách góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn nhà thầu, mua sắm phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và các dự án đầu tư quan trọng.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu

Trần Hào Hùng

Năm 2022, chúng tôi đã chủ trì xây dựng, trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và các thông tư hướng dẫn. Cục QLĐT đã xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đây là thông tư có phạm vi ảnh hưởng lớn, góp phần hiện thực hóa lộ trình đấu thầu qua mạng theo nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra.

Cũng trong năm 2022, Cục QLĐT đã phát hành hàng nghìn văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất...

Việc đưa vào vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới với nhiều tính năng ưu việt có sức ảnh hưởng lớn tới công tác đấu thầu trong cả nước, xin ông chia sẻ một số kết quả bước đầu của việc vận hành Hệ thống này?

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới được đưa vào vận hành từ ngày 16/9/2022. Tổng số bên mời thầu, nhà thầu được phê duyệt đăng ký tham gia vào Hệ thống cũ là 47.435 bên mời thầu và 138.427 nhà thầu. Khi chuyển đổi sang Hệ thống mới, đến nay đã có 33.000 đơn vị tham gia chuyển đổi; tổng số đơn vị đăng ký mới và được phê duyệt trên Hệ thống mới là hơn 8.900 đơn vị.

Trong 3 tháng đưa Hệ thống mới vào hoạt động, đã có khoảng 35.000 gói thầu được đấu thầu qua mạng, chiếm 97% tổng số gói thầu có thể áp dụng đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 216.438 tỷ đồng, chiếm 68,42% tổng giá trị các gói thầu có thể áp dụng đấu thầu qua mạng. Hệ thống Call Center đã hỗ trợ người dùng giải đáp trung bình gần 25.000 cuộc gọi mỗi tháng. Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thường xuyên giám sát để nâng cao chất lượng phục vụ các cuộc gọi của người dùng.

Đến nay, Cục QLĐT đã tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, đào tạo miễn phí quy định pháp luật về đấu thầu qua mạng và các tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại các tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Tiền Giang, Sơn La, Hà Tĩnh, Huế, Cà Mau và An Giang.

Thực tiễn hoạt động đấu thầu luôn phát sinh rất nhiều tình huống nằm ngoài các văn bản pháp luật. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, theo ông, đâu là những việc cần làm để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu?

Mục tiêu xuyên suốt của Luật Đấu thầu được ban hành lần đầu tiên từ năm 2005 đến nay là nhằm quản lý chặt chẽ việc mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình tổ chức thi hành Luật thời gian qua cho thấy, các hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu… vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi. Bên cạnh các nguyên nhân phát sinh từ quá trình thi hành Luật, một số quy định của Luật Đấu thầu còn chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn đến bị lợi dụng (như quy định về công khai, kết nối, chia sẻ thông tin; quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu; các hành vi bị cấm trong đấu thầu…).

Với vai trò giúp Bộ KH&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, trong năm 2023, Cục QLĐT sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất cho hoạt động đấu thầu, trong đó có việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi trong hoạt động đấu thầu đã được đề xuất quy định tại Dự thảo Luật này gồm:

Một là, bổ sung, hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Hai là, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, coi đây là biện pháp giúp công khai, minh bạch tối đa, từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi.

Ba là, yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu (trong đó có nội dung về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, công trình) phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng của hàng hóa, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức mua sắm trực tiếp và hình thức tự thực hiện nhằm hạn chế tình trạng áp giá cao trong mua sắm trực tiếp; khắc phục tình trạng lạm dụng hình thức tự thực hiện để giao gói thầu cho các đơn vị trực thuộc chủ đầu tư thực hiện thay vì áp dụng đấu thầu rộng rãi.

Năm là, bổ sung quy định về đánh giá uy tín nhà thầu và phương pháp xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả áp dụng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong đấu thầu theo hướng: Bổ sung các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế, đồng thời tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền; bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề