Hóa giải thách thức để phát triển năng lượng bền vững

(BĐT) - Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đây là thách thức lớn đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam. 
Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu thành một nước nhập khẩu năng lượng. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu thành một nước nhập khẩu năng lượng. Ảnh: Lê Tiên

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh thông tin này tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế phát thải thấp” diễn ra mới đây. 

Đối diện 4 thách thức lớn

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11%/năm trong  giai đoạn từ 2011 - 2016. Riêng năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Ông Wolfgang Manig, Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang phải đối diện với 4 thách thức đối với hệ thống năng lượng bền vững. Đó là cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Ông Wolfgang Manig nêu quan điểm, cơ cấu năng lượng của Việt Nam cần có những thay đổi vượt bậc nhằm tích hợp tỷ lệ năng lượng tái tạo từ các nguồn phát điện phân bố, được cân bằng bởi việc sản xuất điện linh hoạt và hiệu quả từ nhiên liệu hóa thạch kết hợp với các giải pháp lưu trữ và sử dụng điện hợp lý.

Thông tin với các nhà đầu tư quốc tế, ông Tăng Thế Hùng, đại diện Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho hay, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện thời gian tới là rất lớn, khoảng 7,9 tỷ USD/năm. Ông Hùng cho rằng, việc sử dụng tối ưu các nguồn lực tài chính công cũng như các nguồn tài chính ưu đãi và thương mại để phát triển hạ tầng điện là vô cùng quan trọng để đảm bảo cung cấp đầy đủ điện năng trong dài hạn. 

Phải sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Để hóa giải thách thức nêu trên, ông Vượng cho hay, Chính phủ Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, không ngừng xây dựng, cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng. Bên cạnh việc phát huy nội lực trong giải quyết các thách thức trong phát triển năng lượng tại Việt Nam, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác phát triển có thế mạnh về vốn, khoa học - công nghệ và kinh nghiệm quản lý. 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Armin Bruck, Tổng giám đốc khu vực của Siemens cho biết, công nghệ về phát triển năng lượng sạch hiện nay đã có bước tiến lớn. Sản lượng điện sạch, bền vững ngày càng tăng, đóng góp đáng kể trong việc giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu mà thế giới đang đối diện.

Cũng theo Lãnh đạo Siemens, Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh... Ông Armin Bruck lưu ý: “Để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư vào các dự án năng lượng, Việt Nam cần đảm bảo giá điện ở mức hợp lý. Giá điện hợp lý sẽ giúp nguồn cung điện không chỉ đảm bảo mà còn hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo”.

Tại Hội thảo, ông Tăng Thế Hùng cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho năng lượng mặt trời, sắp tới giá FIT cho các nhà máy điện gió cũng sẽ được điều chỉnh. Bên cạnh cơ chế giá hợp lý, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện; chú trọng đầu tư các công nghệ tiên tiến tại các nhà máy điện; từng bước khuyến khích phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư