Ảnh Internet |
Với nhiều quy định mới và quan trọng nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư mới trên thực tiễn theo Luật Đầu tư (sửa đổi), Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi) kể từ khi ban hành.
Rõ ràng về điều kiện đầu tư
Vẫn lấn cấn và chưa thực sự rõ ràng về điều kiện đầu tư và ngành nghề kinh doanh có điều kiện để triển khai theo Luật Đầu tư 2014 là tình trạng chung đang gặp phải của nhiều doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Giải tỏa những thắc mắc này, tại Hội thảo “Giới thiệu quy định mới của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức dành cho các DN, ThS. Phạm Tuấn Anh thuộc Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết, đối với quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định quy định rõ DN, nhà đầu tư được kinh doanh khi đáp ứng đủ điều kiện và duy trì trong suốt quá trình kinh doanh; khi thực hiện thủ tục hành chính về điều kiện đầu tư kinh doanh, không bắt buộc phải có ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Đối với việc công bố điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, để đáp ứng yêu cầu thông tin về điều kiện Danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện, hiện nay Cổng thông tin đầu tư quốc gia đã đăng tải đầy đủ Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh cũng như điều kiện cụ thể cho các ngành, nghề này.
Liên quan đến nguyên tắc áp dụng điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Nghị định đưa ra các nguyên tắc bao gồm: nhà đầu tư đầu tư nhiều ngành, nghề khác nhau phải đáp ứng theo nguyên tắc toàn bộ; nhà đầu tư được lựa chọn trong nhiều điều ước và tuân thủ theo điều ước đã chọn; trường hợp chưa cam kết, không cam kết thì áp dụng pháp luật trong nước; nhà đầu tư không phải thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được áp dụng như thành viên WTO; trường hợp chưa cam kết, không cam kết, pháp luật trong nước chưa có thì có thể hỏi Bộ hữu quan, khi Bộ đã trả lời và thống nhất đăng tải thì có thể vận dụng giải quyết cho trường hợp sau này.
“Thực tế, khi một ngành, nghề đầu tư không quy định trong các cam kết hoặc chưa có quy định pháp luật chuyên ngành quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành, nghề này, thông thường hồ sơ gửi lên các bộ, ngành hỏi xin ý kiến rất mất thời gian. “Nghị định số 118 đưa ra 1 nguyên tắc khắc phục tình trạng này là khi đã gửi hồ sơ lên hỏi Bộ hữu quan, trong trường hợp Bộ chấp nhận điều kiện đó rồi thì có thể công bố trên Cổng thông tin quốc gia. Các địa phương, các sở có thể dựa vào trường hợp công bố trên Cổng này để cấp Giấy chứng nhận đầu tư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án cùng lĩnh vực sau này”, ông Phạm Tuấn Anh lý giải.
Đảm bảo cơ chế cấp Giấy chứng nhận 1 cửa
Giải đáp thắc mắc về quy trình đăng ký nộp và cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký thành lập DN theo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Công ty TNHH AIC Việt Nam, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định số 118 đã đưa ra cơ chế giải quyết phối hợp rất quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Trước đây cấp 1 giấy nộp 1 cửa, còn hiện nay theo quy định mặc dù tách thành 2 giấy và do hai cơ quan khác nhau cấp, nhưng nhà đầu tư vẫn chỉ phải nộp hồ sơ ở 1 điểm là cơ quan đăng ký đầu tư.
“Như vậy, Nghị định đưa ra nguyên tắc theo hướng tạo điều kiện cho DN và gánh phần khó khăn về phía Nhà nước, đó là DN có thể lựa chọn trong trường hợp thành lập mới DN sẽ thực hiện nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan này có tránh nhiệm làm việc với cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện, sau khi kết thúc thời hạn xử lý hồ sơ thì sẽ trả lại 2 giấy cho DN bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký DN do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan đăng ký đầu tư cấp. Điều đó có nghĩa là DN vẫn chỉ phải nộp hồ sơ một nơi và vẫn lấy kết quả ở một nơi”, ông Quách Ngọc Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Quách Ngọc Tuấn, về thủ tục đầu tư kê khai, hiện nay đang triển khai cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình là trước khi nộp bản giấy thì kê khai trên Bảng điện tử trước, sau đó mang bản giấy đến nộp và nhận kết quả. Trong quá trình triển khai thực hiện quy trình này, Bộ KH&ĐT đã nhận được phản hồi có phát sinh một số vướng mắc từ phía nhà đầu, song Bộ cũng hy vọng quá trình triển khai tới đây sẽ thuận lợi, tạo nền tảng để đơn giản thủ tục hành chính, minh bạch và rút ngắn thời gian, quy trình cấp phép vì khi đã kê khai thông tin trên hệ thống điện tử rồi thì người kê khai được cấp mã số, nhờ đó có thể đăng nhập hệ thống để theo dõi quá trình xử lý hồ sơ.