Hệ lụy từ việc bán đấu giá trọn lô đất ở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua xuất hiện tình trạng người có tài sản gom nhiều tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, thành một tài sản duy nhất để bán đấu giá, dẫn đến giá khởi điểm cao, không tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực sự tham gia, tiềm ẩn nguy cơ trục lợi, thất thoát tài sản nhà nước.
Việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, cần có phương án phù hợp, khả thi tạo điều kiện để nhiều người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, cần có phương án phù hợp, khả thi tạo điều kiện để nhiều người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo nhiều chuyên gia, đối với các dự án có mục tiêu tạo đất ở cho người dân, việc bán đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) nên thực hiện từng lô riêng lẻ để người có nhu cầu mua để ở có thể tham gia, hạn chế tình trạng đầu cơ, làm giá.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình vừa công khai kết quả trúng ĐGQSDĐ khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo đó, một cá nhân trúng đấu giá trọn gói 85 lô đất ở tại nông thôn với giá chênh lệch chỉ 1,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Vài ngày sau đó, dù 85 lô đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng đã xuất hiện một số đối tượng môi giới mời chào khách hàng đặt cọc mua các lô đất với giá cao gấp nhiều lần giá trúng đấu giá.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều khu đất có mục đích sử dụng là đất ở, quy định rõ đối tượng tham gia đấu giá là hộ gia đình, cá nhân, nhưng lại được tổ chức đấu giá theo hình thức bán đấu giá trọn gói với số lượng hàng trăm lô đất cùng lúc.

Đơn cử, tháng 3/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải và tổ chức đấu giá tài sản thực hiện bán ĐGQSDĐ tại khu quy hoạch dân cư Trái Diêm III, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải. Khu đất có diện tích quy hoạch 83.691 m2, chia làm 346 lô đất ở tại nông thôn được bán đấu giá trọn gói cả khu. Tháng 11/2020, quyền sử dụng 63.842 m2 đất ở, gồm 289 lô tại khu quy hoạch dân cư Bắc Đồng Đầm, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải cũng được bán đấu giá trọn gói.

Trước đó, tại Phú Yên xảy ra vụ việc liên quan tới bán ĐGQSDĐ khu dân cư phía Bắc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa theo hình thức trọn gói 262 lô đất. Bà Ngô Thị Điều (phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, Bình Định) đã mua toàn bộ 262 lô đất ở xây nhà liền kề này với giá 162,4 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 1,6 tỷ đồng. Thông qua các công ty bất động sản, môi giới ở Phú Yên, bà Điều đã bán lại 259 lô đất trong thời gian từ tháng 8/2017 - 9/2020 với cách thức kê số tiền bán mỗi lô đất trong hợp đồng mua bán thấp hơn thực tế. Số tiền chênh lệch tăng so với số liệu trong các hợp đồng mua bán đất mà bà Điều thu là hơn 158,8 tỷ đồng, gây thất thu hơn 2 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Về lý do bán đấu giá hàng trăm lô đất ở theo hình thức trọn gói, ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết, việc đấu giá đất theo hình thức trọn gói cả khu hay từng lô đất do cấp có thẩm quyền là huyện, xã nơi có tài sản đấu giá quyết định, được nêu rõ trong các quyết định và phương án bán đấu giá. Việc bán đấu giá trọn lô đất có thuận lợi là thu tiền 1 lần cho ngân sách nhà nước. Nếu đấu giá lẻ từng lô thì những lô chéo, lô méo thường rất khó bán, phải tổ chức nhiều lần đấu giá, có khi vẫn chưa bán được.

Theo quan điểm của ông Bùi Ngọc Tân, chuyên gia về đất đai, việc để cho một cá nhân mua trọn gói cả khu đất là chưa phù hợp với mục tiêu của các dự án là tạo đất ở cho người dân, vì khó có người dân nào có nhu cầu ở cả trăm lô đất như vậy. Nên tổ chức bán đấu giá riêng lẻ từng lô đất để đông đảo người dân có nhu cầu được tham gia.

Chuyên gia này phân tích, khi tài sản đấu giá được bán cho đối tượng là pháp nhân thì khi mua bán, chuyển nhượng sẽ có hóa đơn đỏ, do đó Nhà nước có căn cứ để thu đầy đủ tiền thuế khi chuyển nhượng QSDĐ. Nhưng khi đối tượng trúng đấu giá là cá nhân, việc mua bán, chuyển nhượng chỉ dựa trên việc 2 bên tự thỏa thuận và khai báo bằng hợp đồng mua bán, có công chứng… thì việc mua bán các lô đất sau đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, trục lợi, có thể nảy sinh hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật như vụ việc đấu giá tại Phú Yên.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2457/BTP-BTTP ngày 23/7/2021, trong đó có nội dung liên quan tới đấu giá tài sản theo lô. Bộ Tư pháp đề nghị, người có thẩm quyền khi phê duyệt phương án đấu giá (đặc biệt là đấu giá QSDĐ) cần có phương án phù hợp, khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tham gia đấu giá, qua đó phát huy hiệu quả của hình thức đấu giá tài sản, đảm bảo tối đa hóa lợi ích của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyên đề