Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Tránh cảm tính, chủ quan trong đánh giá năng lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số nội dung được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2024, trong đó có nội dung về hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS. Nhiều tổ chức ĐGTS cho rằng, cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn nữa để tránh việc chủ tài sản đánh giá không khách quan, tùy tiện, cảm tính đối với hồ sơ năng lực của tổ chức ĐGTS.
Theo một số tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản vẫn còn chấm điểm theo cảm tính đối với nhóm tiêu chí “Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả”. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Theo một số tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản vẫn còn chấm điểm theo cảm tính đối với nhóm tiêu chí “Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả”. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Nâng cao trách nhiệm khi hành nghề

Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025), Bộ Tư pháp được giao quy định chi tiết 2 nội dung, gồm: lựa chọn tổ chức hành nghề ĐGTS (khoản 36 Điều 1) và quy định chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên (khoản 44 Điều 1).

Về lựa chọn tổ chức ĐGTS, nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 hướng dẫn lựa chọn TCĐGTS. Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đã tiến hành sơ kết thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-BTP và báo cáo Lãnh đạo Bộ đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Thông tư.

Do đó, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề ĐGTS; biểu mẫu trong lĩnh vực ĐGTS (gọi tắt là Dự thảo Thông tư). Trong đó, Dự thảo Thông tư kế thừa quy định của Thông tư số 02/2022/TT-BTP còn hiệu quả trên thực tế, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh.

Liên quan đến việc đánh giá tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS (Điều 33), Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư số 02/2022/TT-BTP theo hướng thu hẹp các hành vi vi phạm bị trừ điểm khi tổ chức hành nghề ĐGTS nộp hồ sơ tham gia lựa chọn. Theo đó, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức ĐGTS, đấu giá viên thuộc trường hợp cố ý, có tính chất nghiêm trọng trong hoạt động hành nghề, ví dụ công bố không đúng người trúng đấu giá, thông đồng, dìm giá... nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức ĐGTS trong hoạt động hành nghề.

Phụ lục “Bảng điểm tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS” kèm theo Dự thảo Thông tư đã bãi bỏ tiêu chí “Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp”; sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí thành phần cụ thể theo hướng đề cao phương án đấu giá hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cuộc đấu giá và bổ sung tiêu chí về phương án giám sát việc tổ chức đấu giá; sửa đổi tiêu chí về trụ sở ổn định, địa chỉ rõ ràng kèm theo thông tin liên hệ (số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử...) để rõ ràng, khả thi hơn, hạn chế tình trạng các tổ chức hành nghề đấu giá thuê trụ sở không có địa chỉ rõ ràng; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS bảo đảm công bằng, minh bạch, trong đó có hướng đến kinh nghiệm, năng lực, uy tín của cá nhân đấu giá viên điều hành các cuộc đấu giá...

Không đánh giá dựa trên cảm tính

Tại Phụ lục “Bảng điểm tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS”, có 5 nhóm tiêu chí đánh giá điểm gồm: Có tên trong danh sách các tổ chức hành nghề ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố (điều kiện phải đáp ứng); Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả (thuyết minh đầy đủ các nội dung trong phương án); Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức hành nghề ĐGTS; Tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản (NCTS) đấu giá quyết định.

Trong số các nhóm tiêu chí trên, nhiều tổ chức ĐGTS quan tâm và góp ý đối với tiêu chí “Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả (thuyết minh đầy đủ các nội dung trong phương án)”. Theo Trung tâm Dịch vụ ĐGTS Nghệ An, thực trạng hiện nay là khi chấm điểm nhóm tiêu chí này trong hồ sơ của tổ chức ĐGTS, nhiều NCTS cho điểm theo cảm tính, phần nhiều phụ thuộc vào cảm nhận, đánh giá chủ quan mà không có thang điểm rõ ràng. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS Nghệ An đề nghị nên có nhiều điểm thành phần, chia nhỏ hơn các tiêu chí và danh mục tiêu chí cụ thể trong nhóm tiêu chí này. Cách thức đánh giá sẽ là chấm điểm theo thang điểm tương ứng mà không thực hiện chấm điểm theo bài viết luận.

Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam cho rằng, nhóm tiêu chí “Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả” hiện áp dụng theo cách viết bài luận đang không sát với thực tiễn, không đánh giá đúng năng lực của tổ chức ĐGTS. Trên thực tế có trường hợp cùng 1 nhóm tài sản, khi tổ chức ĐGTS nộp cùng 1 hồ sơ năng lực với các thông tin, dữ liệu giống nhau, nhưng các bên NCTS lại đánh giá và chấm điểm với số điểm rất khác nhau, có nơi nhận được số điểm tối đa, nhưng có nơi lại đánh giá chỉ còn 1/2, thậm chí 1/3 số điểm tối đa của thang điểm. Với cách đánh giá bài luận dựa trên cảm tính như vậy, tổ chức ĐGTS không có cơ sở để khiếu nại kết quả lựa chọn, dẫn tới thiếu công bằng.

Do đó, Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đề xuất, nhóm tiêu chí “Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả” cần được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với quy định cũ tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP theo hướng quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn với các tiêu chí thành phần, có số điểm cụ thể theo các trình tự, thủ tục triển khai công việc trong quá trình tổ chức cuộc đấu giá thực tế diễn ra. Đơn cử, từ khâu công bố thông tin, dán, niêm yết, bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá... tới tổ chức cuộc đấu giá.

Chuyên đề