Bên mời thầu - Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định sẽ rà soát và phản hồi các kiến nghị mà nhà thầu đã phản ánh |
Đơn cử như trường hợp HSMT của gói thầu “Chỉnh lý tài liệu lưu trữ thi hành án dân sự năm 2015” do Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự làm bên mời thầu. Gói thầu thuộc Dự án Nâng cao hiệu quả công tác lưu trữ trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
HSMT có nhiều điều bất hợp lý?
Theo Đơn kiến nghị gửi tới Báo Đấu thầu ngày 19/2/2016, Công ty TNHH Cát Tường đặt vấn đề: Theo quy định của Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa, giá trị bảo đảm dự thầu là từ 1 - 5% giá gói thầu. Trong khi đó, đối với gói thầu “Chỉnh lý tài liệu lưu trữ thi hành án dân sự năm 2015”, thông báo mời thầu yêu cầu giá trị bảo đảm dự thầu là 250 triệu đồng. Như vậy, theo tính toán của Công ty TNHH Cát Tường, giá trị gói thầu tương ứng sẽ phải từ khoảng 16,5 - 25 tỷ đồng.
Từ cách xác định giá trị gói thầu này, Công ty TNHH Cát Tường cho rằng có thể xác định giá trị của hợp đồng tương tự. Với giả thiết giá gói thầu tương tự là 16,5 - 25 tỷ đồng, theo Công ty TNHH Cát Tường, giá trị của hợp đồng tương tự ít nhất phải là từ 11,5 - 17,5 tỷ đồng. Để đưa con số này, Công ty TNHH Cát Tường lý giải, theo Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa (Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, tại Chương III, Mục 2, Phần 2.1, Tiêu chí số 4), một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu là kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự. Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa quy định: “nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn ít nhất 1 hợp đồng có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị gói thầu đang xét”. Tuy nhiên, tại HSMT của gói thầu “Chỉnh lý tài liệu lưu trữ thi hành án dân sự năm 2015”, chủ đầu tư/bên mời thầu lại chỉ yêu cầu nhà thầu có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 7 tỷ đồng.
Tương tự, về doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu, Công ty TNHH Cát Tường phân tích, Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa (Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, tại Chương III, Mục 2, Phần 2.1, Tiêu chí 3.2) quy định: “Doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu đối với hợp đồng có thời gian thực hiện dưới 12 tháng là bằng giá gói thầu nhân với hệ số k, hệ số k = 1,5”. Với giá trị gói thầu giả định nêu trên, đáng lẽ ra doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu mà nhà thầu phải đạt được phải là từ 24,7 - 37,5 tỷ đồng, chứ không phải là 7 tỷ đồng như yêu cầu trong HSMT của Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự.
Cùng với sự bất hợp lý về yêu cầu giá trị hợp đồng tương tự và doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu của nhà thầu, Công ty TNHH Cát Tường còn chỉ ra những nội dung cần thiết nhưng chưa được đề cập đến trong HSMT của gói thầu nêu trên như: năng lực tài chính tối thiểu, báo cáo tài chính và doanh thu bình quân của năm 2015…
Cụ thể, về yêu cầu năng lực tài chính tối thiểu, Công ty TNHH Cát Tường viện dẫn, Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa (Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, tại Chương III, Mục 2, Phần 2.1, Tiêu chí 3.3) quy định: “Nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với khả năng thanh khoản sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác để đáp ứng các yêu cầu về nguồn tài chính thực hiện gói thầu với giá trị tối thiểu = giá gói thầu x t, hệ số t là từ 0,2 đến 0,3”. Theo đó, để thực hiện gói thầu này, nhà thầu phải chứng minh năng lực tối thiểu là 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, không hiểu sao, HSMT của gói thầu nêu trên lại bỏ ngỏ yêu cầu liên quan đến nội dung này, trong khi đây lại là một gói thầu có quy mô khá lớn?
“Cảm ơn nhà thầu đã phát hiện ra lỗi sai”
Trước những câu hỏi chất vấn về những điểm bất hợp lý trong HSMT nêu trên của Công ty TNHH Cát Tường, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Xuân Tùng – Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết: “Hiện Bên mời thầu đã nhận được Đơn kiến nghị của Công ty TNHH Cát Tường và ngay lập tức xem xét những vấn đề mà nhà thầu đã nêu. Về cơ bản, nhà thầu nói đúng. Chiều ngày 22/2/2016, Bên mời thầu đã tổ chức họp với Tổ chuyên gia để xem xét cụ thể từng vấn đề mà nhà thầu nêu và rà soát lại tổng thể cả quy trình”.
Ông Tùng cam kết: “Khi có kết luận, Bên mời thầu sẽ có công văn giải trình với Báo Đấu thầu để có căn cứ trả lời nhà thầu”.
“Tinh thần chung là nếu không đúng thì phải làm lại, sai thì phải nhận, phải rà soát để mình làm đúng hơn và cảm ơn nhà thầu đã phát hiện ra lỗi sai”, ông Tùng nhấn mạnh.