Gỡ nút thắt “trói chân” doanh nghiệp nhỏ

(BĐT) - Chủ trương là không phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng trên thực tế, khu vực này vẫn đang bị bất lợi, nhất là về thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng và mặt bằng sản xuất. 

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang thiếu mặt bằng sản xuất trong khi các khu công nghiệp vẫn còn đất để không

Những nút thắt này không phải khó tháo gỡ, dư địa cho những thay đổi để tạo thuận lợi hơn cho khối DNNVV rất hiện hữu. Quan trọng là có muốn thay đổi thực chất hay không, có vì những lợi ích không thuộc về mình mà hành động vì doanh nghiệp hay không? 

Chia sẻ của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam với kỳ vọng những thay đổi mang tính thực chất sẽ được triển khai trong thời gian tới. 

Chính phủ đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN, đặc biệt là DNNVV. Thế nhưng, DNNVV vẫn kêu thủ tục hành chính là rào cản lớn. Theo ông, liệu có chuyện chủ trương một đằng chính sách một nẻo hay không?

Những tháng gần đây tuy đã có thay đổi rất đáng kể trong cải thiện thủ tục hành chính, nhưng nhìn về tổng thể, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực, đòi hỏi sự thay đổi phải đi vào thực chất hơn nữa. Cải thiện môi trường kinh doanh, trước hết là thủ tục hành chính, mới tạo nên động lực phát triển tốt được. Tinh thần Nghị quyết 35 cũng nhấn mạnh ý này.

Các cơ quan nhà nước phải có sự thay đổi. Về chính sách, phải có quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước nghĩ ra, thực hiện những gì bất lợi cho DN, đưa ra những văn bản chính sách có tính chất phân biệt đối xử với DNNVV. Chủ trương thì không phân biệt đối xử, nhưng chính sách thực tiễn lại nêu điều kiện cụ thể, anh muốn kinh doanh cái A thì anh phải có điều kiện này, điều kiện kia.

Môi trường kinh doanh bắt đầu bằng chính sách. Chính sách đối với DNNVV phải bảo đảm bền vững, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Chính phủ cần rà soát lại các quy định có phân biệt đối xử về điều kiện và quy mô kinh doanh, vô tình DN lớn mới đáp ứng được điều kiện, loại bỏ DNNVV ra khỏi cuộc chơi, không tạo được môi trường kinh doanh tốt cho DNNVV.

Gỡ nút thắt “trói chân” doanh nghiệp nhỏ ảnh 2
Ông Tô Hoài Nam
Một trong những khó khăn lớn đối với DNNVV là tiếp cận vốn. Dường như giữa ngân hàng và DNNVV không có điểm chung, ngân hàng thì đổ lỗi tại DN không có dự án khả thi, DN thì nói chuẩn tín dụng quá cao. Tháo gỡ khó khăn kéo dài này như thế nào thưa ông?

Hiện nay, mới có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, số còn lại vẫn gặp khó khăn rất lớn mà nguyên nhân chính là do các tiêu chuẩn tín dụng của ngân hàng cao quá sức đối với DNNVV. Nếu xây dựng được chuẩn tín dụng phù hợp với DNNVV thì sẽ tạo được thuận lợi rất lớn cho khu vực doanh nghiệp này.

Hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam đang được hưởng một “đặc quyền”, khi mà số lượng ngân hàng chỉ vài chục nhưng số lượng DN thì trên dưới 500.000, lượng khách hàng quá lớn, ngân hàng không bao giờ lo thiếu khách hàng và đặc biệt không bao giờ sợ lỗ, nếu phá sản Chính phủ mua lại 0 đồng. Hệ thống ngân hàng được đặc quyền, được cả xã hội, Nhà nước, Chính phủ ưu ái, vì thế cũng phải có trách nhiệm với xã hội, với doanh nghiệp. Muốn DNNVV vay được thì ngân hàng phải thay đổi các điều kiện cho DNNVV vay. Ngân hàng hiện nay chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm, trong khi hầu hết DNNVV không đáp ứng được điều kiện này. Hai bên cứ tranh luận thì mãi mãi chỉ đứng nhìn nhau. Ngân hàng phải nhìn vào phương án kinh doanh. DN có 1 phương án bình thường và 1 tài sản bảo đảm tốt không thể bằng 1 DN không có tài sản bảo đảm nhưng có phương án kinh doanh tốt, vì tôi nghĩ ngân hàng cũng không vui vẻ gì khi phải đi xử lý tài sản của DN cả. Nhưng ngân hàng chưa thay đổi ở điểm này, trong khi sự thay đổi hoàn toàn có thể thực hiện, trong khả năng của hệ thống ngân hàng, đó là nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ tín dụng, chuyên gia thẩm định đủ để đánh giá được hiệu quả của phương án kinh doanh, giúp DN thiết kế lại dự án khả thi hơn. Ngân hàng phải cùng đồng hành với DN, suy cho cùng, khi DN tiếp cận được vốn, hoạt động hiệu quả thì sẽ có lợi cho cả hai bên. 

Ngân hàng lo sợ cho DNNVV vay nếu không có dự án tốt có thể rủi ro, dẫn đến nợ xấu. Tôi nghĩ, những “đại gia” nợ hàng chục nghìn tỷ đang vỡ nợ mới là những khoản nợ xấu đáng lo. DNNVV đâu cần nhiều vốn đến thế.

Ngoài ra, cần đa dạng các mô hình tín dụng dành cho DNNVV, như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DNNVV. Mạnh dạn cho phép thành lập các quỹ tương hỗ tư nhân, do DN tư nhân tự đóng góp, hoạt động phi lợi nhuận, vì lợi ích của các thành viên góp vốn. Mô hình này thế giới làm nhiều rồi. 

Mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng đang gây khó khăn cho hoạt động của DNNVV. Theo ông, giải pháp nào để có thể tháo gỡ nút thắt này?

Mặt bằng sản xuất, kinh doanh bao nhiêu năm qua là một trong những khó khăn lớn đối với DNNVV. Hiện trên 90% DNNVV thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, quỹ đất khu công nghiệp hiện nay mới lấp đầy được 50%. Chỉ nhìn vào con số này đã có thể thấy được dư địa cho những giải pháp tháo gỡ một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV hiện nay.

Hầu hết khu công nghiệp hiện nay không có khu vực dành cho DNNVV. DNNVV chỉ cần những khu đất nhỏ, vài trăm mét vuông, sẽ rất khác với DN lớn thuê hàng nghìn mét vuông. DNNVV không thể theo được quy trình dài dằng dặc của hồ sơ thủ tục thuê đất.

Nguồn có sẵn, chỉ cần cân đối lại. Mỗi khu công nghiệp nên dành khoảng 30% diện tích đất cho DNNVV với chính sách cho thuê phù hợp. Có thể đầu tư các khu dịch vụ dùng chung cho DNNVV trong khu công nghiệp để giảm chi phí thuê.

Ngoài giải quyết 3 nút thắt về thủ tục hành chính, vốn, mặt bằng sản xuất, cũng cần tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ tiếp cận thị trường, thông tin tư vấn, cải thiện nguồn nhân lực cho DNNVV… Quan trọng là những chính sách phải thực chất, đi đúng vào những gì DN cần, DN thiếu. Đơn cử như tuyên truyền về hội nhập, đừng nói chung chung, hãy cho DN biết cụ thể ngành nào có thế mạnh, phải làm gì để tận dụng thời cơ, để không bị thua trong cạnh tranh khốc liệt.

Chuyên đề