Chưa kịp nở nụ cười trong phiên hồi phục thứ Ba, giới đầu tư phố Wall đã nhanh chóng nhận cú sốc trong phiên thứ Tư (Ảnh minh họa: AFP) |
Trong phiên thứ Ba, nhờ thị trường chứng khoán Trung Quốc ổn định trở lại và lực cầu bắt đáy giúp phố Wall hồi phục khá tốt. Tưởng chừng sau phiên hồi phục này sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư trên phố Wall ổn định hơn, nhất là khi giá dầu thô có dấu hiệu hồi phục sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ giảm.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu thô chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, sau đó lại quay đầu giảm trở lại trong phiên Mỹ, gây ra sự lo sợ cho giới đầu tư và kích hoạt lệnh bán tháo diễn ra trên diện rộng. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng mạnh 12,2%.
Ngoài sự sụt giảm của dầu, nhà đầu tư còn lo lắng về kết quả kinh doanh quý IV/2015 kém khả quan, nên càng đẩy mạnh bán ra, kéo phố Wall lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 lần đầu tiên xuống dưới 1.900 điểm kể từ tháng 9/2015.
Theo số liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong S&P 500 trong quý IV/2015 dự kiến giảm 4,8% so với cùng kỳ và là quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Dow Jones giảm 364,81 điểm (-2,21%), xuống 16.151,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 48,4 điểm (-2,5%), xuống 1.890,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 159,85 điểm (-3,41%), xuống 4.526,06 điểm.
Trong khi phố Wall lao dốc, thì chứng khoán châu Âu thoát hiểm nhờ đóng cửa sớm hơn mấy tiếng, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến của thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương. Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ trong phiên thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng hóa, năng lượng khi giá dầu thô đang hồi phục lên gần mức 32 USD/thùng.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 31,73 điểm (+0,54%), lên 5.960,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 24,47 điểm (-0,25%), xuống 9.960,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,19 điểm (+0,3%), lên 4.391,94 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên tăng đầu tiên trong năm 2016 khi dữ liệu thương mại của Trung Quốc tốt hơn dự kiến và đồng yên suy yếu giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng đã hồi phục trở lại sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp từ đầu năm nhờ đồng nhân dân tệ ổn định trở lại. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, sau phiên hồi nhẹ, chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải đã giảm mạnh trong cuối phiên và chính thức chia tay mốc 3.000 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng nay (14/1) với sự ảnh hưởng nặng nề của phiên bán tháo trên phố Wall, chứng khoán Nhật Bản mở cửa giảm ngay gần 4%.
Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 496,67 điểm (+2,88%), lên 17.715,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 223,12 điểm (+1,13%), lên 19.934,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 73,26 điểm (-2,42%), xuống 2.949,60 điểm.
Đang chịu áp lực chốt lời sau tuần tăng mạnh đầu năm, giá vàng lại nhận được sự hỗ trợ bất ngờ khi hoạt động bán tháo ồ ạt xảy ra trên phố Wall, kích hoạt dòng tiền trở lại với vàng như là kênh đầu tư phòng thủ rủi ro.
Kết thúc phiên 13/1, giá vàng giao ngay tăng 7,0 USD (+0,64%), lên 1.093,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 1,9 USD (+0,18%), lên 1.087,1 USD/ounce.
Như đã nói ở trên, thông tin được công bố cuối ngày thứ Ba về kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước đã giúp giá dầu thô hồi phục khá tốt khi mở cửa phiên thứ Tư. Có thời điểm, giá dầu thô đã lên sát mốc 32 USD/thùng, nhưng nỗi lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dư cung khiến giá loại nhiên liệu này quay đầu giảm giá trong phiên Mỹ.
Kết thúc phiên 13/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,04 USD/thùng (+0,13%), lên 30,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,55 USD (-1,81%), xuống 30,31 USD/thùng.