Giãn, hoãn, khoanh nợ cho nhà thầu xây dựng, được không?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 4/2022, Vietnam Report công bố Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam năm 2022, với vị trí số 1 là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Để chọn ra TOP 10, Vietnam Report dựa vào năng lực tài chính gần nhất; uy tín truyền thông và khảo sát các bên liên quan.
Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM kiến nghị 3 giải pháp, trong đó có việc cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng. Ảnh: Lê Tiên
Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM kiến nghị 3 giải pháp, trong đó có việc cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, Chủ tịch HBC đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) Lê Viết Hải vừa gửi công văn đến các cơ quan chức năng, nêu thực trạng các doanh nghiệp (DN) xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đứng trước bờ vực phá sản, hàng vạn người lao động bị mất việc làm. Giải pháp nào để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn đang là câu hỏi nhức nhối với nhiều người…

Trông chờ giãn nợ

Trong công văn gửi đến các cơ quan chức năng, ông Lê Viết Hải đã không ngại bộc lộ khó khăn của chính DN mình và cho rằng, đó là điển hình khó khăn của các nhà thầu xây dựng. Trong suốt 35 năm hoạt động, HBC trở thành nhà thầu hàng đầu trong nước và đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong 35 năm, Hòa Bình đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên; hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người. “Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được”, ông Hải viết.

“Huy động tất cả các nguồn lực”, như Chủ tịch HBC nói, đó là việc HBC đã đề nghị các nhà thầu phụ nhận thanh toán bằng bất động sản mà HBC đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng. Đó cũng là việc HBC đã kêu gọi các nhà thầu phụ cấn trừ nợ bằng thiết bị thi công xây lắp trong kho thiết bị đang có của Công ty… Theo ông Hải, trong 35 năm qua, chưa lần nào HBC để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn ngân hàng. Lần này thì khác. Ngành bất động sản khủng hoảng tạo nên khó khăn cho toàn ngành xây dựng. HBC không thu được tiền từ các dự án đã làm, nên không sắp xếp được nguồn vốn trả nợ đúng hạn. Khát vọng phát triển ra thị trường toàn cầu cũng trở nên xa xôi với DN đầu đàn này.

Báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 của HBC ghi nhận, Tập đoàn có 12.735 tỷ đồng nợ ngắn hạn, trong đó nợ phải trả người bán ngắn hạn là 4.700 tỷ đồng. Trong số các khoản nợ ngân hàng ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022, cho HBC vay nhiều nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2.297 tỷ đồng) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (1.297 tỷ đồng). Hàng loạt các tổ chức tín dụng khác cũng đang cho HBC vay lớn vốn ngắn hạn, như Ngân hàng Hàng hải (302 tỷ đồng); Ngân hàng Quân đội (145 tỷ đồng); Ngân hàng Quốc dân (245 tỷ đồng); Ngân hàng Techcombank (191 tỷ đồng), Ngân hàng An Bình (149 tỷ đồng)… Về vay dài hạn, HBC có khoản vay trái phiếu với Ngân hàng Hàng hải Việt Nam lên tới 961 tỷ đồng…

Năm 2022, HBC đã phải ghi nhận khoản lỗ hợp nhất (gồm công ty mẹ và 5 công ty con, 4 công ty liên kết) 1.140 tỷ đồng. Sức khỏe tài chính của HBC hiện nay khác hẳn với thông điệp “Dũng mãnh để bứt phá” mà ông Lê Viết Hải thúc đẩy các nhà thầu, các doanh nghiệp thành viên khi dẫn dắt Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP. HCM.

Khó khăn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là điển hình cho việc chịu hệ lụy dây chuyền từ những ảnh hưởng của một ngành khác (bất động sản). Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là điển hình cho việc chịu hệ lụy dây chuyền từ những ảnh hưởng của một ngành khác (bất động sản). Ảnh: Lê Tiên

Thế khó của các ngân hàng

Thông tin từ SACA cho biết, Hiệp hội có gần 300 hội viên, trong đó có HBC, Secoin, Gạch ngói Đồng Nai, Địa ốc Cát Tường, Xây dựng Bình Minh, Thép Povina, Cáp điện Daphaco… Hội viên của SACA có thể không phải tất cả đều khó khăn, nhưng khó khăn của HBC là điển hình cho việc chịu hệ lụy dây chuyền từ những ảnh hưởng của một ngành khác (bất động sản) và môi trường kinh doanh bất thường hậu Covid-19. Để vượt qua, Chủ tịch SACA kiến nghị 3 giải pháp, trong đó có việc cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng. Theo ông Lê Viết Hải, giải pháp này sẽ giúp các DN trong ngành bị ảnh hưởng bởi sự mất khả năng thanh toán của các khách hàng trong ngành bất động sản có thời gian thu hồi nợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm có doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay, đồng thời, hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu…

Ngày 11/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Sau Nghị quyết số 33, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023 nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho DN được đàm phán với trái chủ việc giãn nợ thêm 2 năm. Theo ước tính của VNDirect, khoảng 252.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ngay trong năm 2023 này, trong đó 63% giá trị đáo hạn sẽ rơi vào giai đoạn thử thách quý II và quý III tới. Tuy nhiên, kết quả thế nào là câu chuyện của doanh nghiệp với trái chủ. Nhà nước chỉ tạo cơ chế hướng dẫn tiến trình này, chứ không cung cấp một nguồn tiền cụ thể hỗ trợ quan hệ nợ vay giữa DN và các nhà đầu tư.

Liên quan đến việc giãn, hoãn, khoanh nợ ngân hàng, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Long, Giám đốc Viện Thành viên HĐQT Việt Nam cho rằng, để giúp các chủ thể đang ngập trong nợ nần chỉ có 2 cách, đó là có thêm vốn ngoại hoặc cấp thêm vốn ngân hàng, tức là tiền thật chứ giãn, hoãn sẽ không giúp được như xử lý nợ xấu ngân hàng ngày trước. Ông Phan Long cho rằng, rất khó để tìm được điểm cân bằng để hỗ trợ mà không tạo nên thiệt hại cho một bên nào đó.

Trong ngành ngân hàng, ngoại trừ ngân hàng Agribank là 100% vốn Nhà nước, các ngân hàng khác đều hoạt động với hình thái của ngân hàng cổ phần. Quyền quyết định cao nhất trong kinh doanh thuộc về Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị từng ngân hàng. Nếu cho phép khách hàng giãn, hoãn, khoanh nợ đến hạn, các ngân hàng sẽ phải bổ sung khoản trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu theo phân loại nợ và hệ lụy sẽ làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, số dư nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Dù nhiều ngân hàng đã dự phòng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, nhất là khối ngân hàng thương mại nhà nước (khoảng 270%); khối NHTM lớn (khoảng 140%); khối NHTM khác khoảng 75%, nhưng việc thực hiện giãn, hoãn, khoanh nợ là chấp nhận bài toán đánh đổi rủi ro từ khối DN này sang khối DN khác.

Kiến nghị của SACA cho thấy khó khăn thực tế đang bào mòn sức khỏe tài chính và tinh thần của DN ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, giải bài toán này như thế nào là câu hỏi khó, bởi nếu chính sách có chuyển động theo hướng cho phép các bên được đàm phán giãn, hoãn, khoanh nợ thì việc thực thi cũng sẽ phụ thuộc vào năng lực đàm phán và sự chấp nhận lẫn nhau giữa các ngân hàng và các chủ thể có nợ vay.

Chuyên đề