Bảo lãnh thanh toán có rủi ro hay không tùy thuộc vào việc đánh giá khách hàng của chính ngân hàng |
Một số doanh nghiệp xem chứng thư bảo lãnh là “bảo bối” khi xảy ra tranh chấp hợp đồng. Thực tế, có những hợp đồng bảo lãnh bị ngân hàng từ chối thanh toán. Ngược lại, có những vụ việc được đưa ra xét xử, ngân hàng phải “ngậm ngùi” mở hầu bao thanh toán bảo lãnh khi có yêu cầu bởi chính cán bộ của mình bắt tay với doanh nghiệp, lạm quyền gây thiệt hại.
Trong vụ kiện vừa xảy ra tại TAND TP. Hà Nội, CTCP Kim khí Thương mại Đại Lộc kháng cáo bản án sơ thẩm để đề nghị ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới do liên quan đến chứng thư bảo lãnh (ngày 26/7/2011) cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Nam Á.
Được biết, trước đó, ngân hàng chấp nhận thanh toán cho Công ty Đại Lộc khoản tiền tối đa hơn 18 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán thép giữa Công ty Đại Lộc và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Nam Á. Đến ngày 28/7/2011, Công ty Đại Lộc đã hoàn tất giao lô hàng trị giá hơn 17 tỷ đồng cho Công ty Đông Nam Á. Công ty Đông Nam Á phối hợp với ngân hàng trả được 13 tỷ đồng, còn nợ gốc và lãi chậm thanh toán là hơn 7 tỷ đồng. Công ty Đại Lộc đã khởi kiện và tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty Đông Nam Á phải hoàn trả số tiền trên.
Cho rằng ngân hàng phải có nghĩa vụ liên đới thực hiện bảo lãnh thanh toán, nguyên đơn tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Tranh cãi tại tòa, ngân hàng nói ngày 23/8/2011 đã gửi chứng thư giảm trừ bảo lãnh xuống còn 13 tỷ đồng.
Văn bản này được phát hành sau thư bảo lãnh nên chỉ có giá trị pháp lý khi có sự đồng ý của Công ty Đại Lộc. Ngân hàng trình bày thư bảo lãnh giảm trừ được gửi cho bà Đỗ Thị Thảo, nhưng lại không chứng minh được bà Thảo có phải là người của Công ty Đại Lộc. Xác minh trong danh sách lao động, bảo hiểm của Công ty Đại Lộc tại thời điểm năm 2011, không có cán bộ nào là bà Thảo.
Công ty Đại Lộc cũng khẳng định không ủy quyền cho ai là bà Thảo nhận văn bản. Xác định không có căn cứ thư giảm trừ có sự thống nhất của hai bên, tòa đã tuyên văn bản này chưa phát sinh hiệu lực và không có giá trị pháp lý đối với các bên. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã buộc phía ngân hàng phải có trách nhiệm thực hiện đối với bảo lãnh đã phát hành.
Từ câu chuyện trên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu những rủi ro trong bảo lãnh thanh toán đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp?
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) đã chỉ ra rằng, bảo lãnh ngân hàng có rủi ro hay không, hoặc rủi ro ít hay nhiều thực ra do chính ngân hàng đánh giá xếp hạng khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh. Nếu đánh giá đúng, ngân hàng sẽ giảm thiểu được rủi ro hoặc không có rủi ro khi bảo lãnh và ngược lại.
Trường hợp rủi ro lớn nhất do không đánh giá đúng khách hàng, ngân hàng mất tiền bảo lãnh và sau đó không đòi lại được từ phía khách hàng được bảo lãnh. Và tùy thuộc mức độ chủ quan, ngân hàng phải chịu các chế tài tương ứng với quy định pháp luật nếu cơ quan hữu trách làm rõ.
Đối với bên thụ hưởng, luật sư Chi cho rằng, khi yêu cầu đối tác có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, cần xem xét uy tín của ngân hàng trên thương trường. Đây là điều quan trọng nhất vì để tạo lập được uy tín thì ngân hàng cần có thời gian và các cách thức xử lý đối với những va chạm với khách hàng khi tác nghiệp một cách hợp lý và ổn thỏa nhất.
Mặt khác, phải làm rõ các khái niệm và cách hiểu, tạo ra một sự cân bằng nhất định trong nội dung chứng thư để tránh những mâu thuẫn không cần thiết khi yêu cầu thực hiện việc bảo lãnh, hạn chế sử dụng mẫu có sẵn. Mặc dù đây là điều khá khó khăn trong thực tế vì đa phần ngân hàng đều yêu cầu sử dụng mẫu sẵn có của họ .
“Bên thụ hưởng cũng cần làm rõ những điểm không rõ ràng trong chứng thư bảo lãnh để không bị bất lợi về phía mình trước khi thực hiện giao dịch”, luật sư Chi khuyến nghị.