Giải pháp nào cho trái phiếu doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước mắt, cần truyền thông để trái chủ hiểu rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thanh toán nợ trái phiếu, có niềm tin vào các trái phiếu của doanh nghiệp hoạt động tốt. Đồng thời, cần nhìn nhận lại tính pháp lý với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đây được coi là những giải pháp để giải quyết các bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại và tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính ngày 23/11, ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư, đây không phải trách nhiệm của Nhà nước. Mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay sở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. "Có như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển", ông Bình nhận xét.

Theo ông Lê Quốc Bình, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các nhà đầu tư trong các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm, để có điều kiện bán được với giá rẻ và thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn. Doanh nghiệp phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Từ khía cạnh khác, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, trước mắt, có hai việc cần xem xét lại và có giải pháp ngay. Một là, trái phiếu doanh nghiệp đang bị đánh đồng giữa loại tốt và loại xấu do trái chủ chưa hiểu đúng về doanh nghiệp, khi thị trường có thông tin về việc đi rút tiền trước hạn thì đi rút theo, từ đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động tốt.

"Những doanh nghiệp này vay nợ bằng trái phiếu để kinh doanh, kỳ hạn 3 - 5 năm mà mới được một thời gian ngắn đã bị đòi tiền đồng loạt thì khó đỡ nổi. Trái chủ cần hiểu là các sản phẩm tài chính có lãi suất cao thì rủi ro cao. Nếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản khó trả nợ trái phiếu đến hạn thì có thể xử lý bằng cách bán tài sản", ông Cường cho biết.

Hai là, cần xem lại vai trò của cơ quan giám sát các ngân hàng thương mại bởi phản ánh từ nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp (trong đó có nhiều người lớn tuổi) qua lời giới thiệu của nhân viên ngân hàng cho thấy, khi họ vừa đáo hạn sổ tiết kiệm thì được chào mua sản phẩm tiết kiệm mới. "Như vậy, có trường hợp các nhân viên bán trái phiếu đã biến những người không hiểu biết về trái phiếu trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu cơ quan giám sát phát hiện một, hai ngân hàng làm như vậy và kịp thời "tuýt còi" thì hạn chế được rất nhiều tình trạng bán trái phiếu như vậy. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhẽ ra chỉ được bán với nhà đầu tư chuyên nghiệp song lại được chào bán rất rộng rãi, phổ biến, nhiều người dân thiếu hiểu biết thấy lãi suất cao hơn thì mua", ông Cường nhấn mạnh.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Cường, cần rất nhiều yếu tố và một trong những điều quan trọng là đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để tạo cơ sở cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Từ góc độ pháp lý, TS.Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo Nghị định 65 hao hao giống trái phiếu công trình trước đây ở điểm bắt các nhà phát hành phải tuân thủ việc sử dụng đúng mục đích phát hành, trong khi bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ tài chính - công cụ vay nợ và doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng tiền theo kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp phát hành cần có xếp hạng tín nhiệm để người mua có căn cứ đánh giá chất lượng trái phiếu trước khi quyết định tham gia. Với nguyên lý như vậy, ở các thị trường phát triển, có cả loại ‘junk bond’ - ‘trái phiếu rác’ mà vẫn có người mua. Hay nói cách khác, Nghị định 65 đang đặt ra yêu cầu tất cả trái phiếu đều phải là vàng hay kim cương mà như vậy thì quá khó cho doanh nghiệp", ông Ánh phân tích.

Chuyên đề