Giải ngân đầu tư công nhìn từ những địa phương dẫn đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều địa phương, trong đó có những vùng từng là tâm dịch, vẫn đạt được kết quả giải ngân vốn đầu tư công khá cao, thậm chí cao hơn so với những năm không có dịch bệnh. Với cùng một mặt bằng chính sách, kết quả này cho thấy, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức thực hiện, công tác điều hành là rất quan trọng.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến 30/9/2021 dự kiến đạt 47,38% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến 30/9/2021 dự kiến đạt 47,38% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Từng là tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, nhưng đến nay, Bắc Giang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Theo ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, hết tháng 6/2021 giải ngân của Tỉnh chỉ đạt 23,5%, thấp hơn nhiều bình quân chung của cả nước. Từ đầu quý III, khi dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, Bắc Giang đã tập trung đẩy nhanh phục hồi sản xuất và quán triệt giải ngân đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để khôi phục, phát triển kinh tế. Tiến độ giải ngân có chuyển biến tích cực, ước hết tháng 9 tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% kế hoạch, đặc biệt nguồn ngân sách trung ương (NSTW) đạt trên 66%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm trước. Tỉnh phấn đấu hết năm 2021 giải ngân 100% kế hoạch được giao và dự kiến đề nghị Chính phủ bổ sung thêm NSTW cho một số dự án.

Lãnh đạo Bắc Giang cho biết, một trong những giải pháp đưa đến hiệu quả rõ nét là chuẩn bị dự án đầu tư sớm, không chờ quyết định phân vốn mới triển khai các bước chuẩn bị, từ đó rút ngắn thời gian giải ngân 3 - 6 tháng. Tỉnh tập trung vào các dự án lớn, có sức lan tỏa, phân công lãnh đạo Tỉnh phụ trách theo dõi công tác giải ngân, thành lập Tổ công tác liên ngành chủ động tháo gỡ khó khăn cho dự án. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được Tỉnh rất chú trọng, tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Đặc biệt, ông Dương Văn Thái chia sẻ, sau khi Tỉnh khống chế được dịch, niềm tin của người dân vào lãnh đạo cấp ủy các cấp được nâng lên rất nhiều, đồng thuận nên GPMB thuận lợi hơn…

Quảng Ninh cũng là một điểm sáng về giải ngân khi đã giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, để có được kết quả giải ngân tốt, Tỉnh chú trọng giao vốn nhanh, có trọng điểm; xác định mục tiêu giải ngân từng tháng, từng quý, thành lập Tổ công tác đặc biệt của Tỉnh; gắn trách nhiệm người đứng đầu với chỉ tiêu giải ngân; công khai số liệu giải ngân của từng đơn vị… Tỉnh quyết tâm phòng, chống dịch, giữ được địa bàn an toàn, từ đó huy động nhân lực tập trung thi công xây dựng, động viên kịp thời công nhân lao động tăng ca, khuyến khích ở lại công trường không về quê trong các dịp nghỉ lễ.

Cũng như Bắc Giang, công tác GPMB được Quảng Ninh đặc biệt chú trọng, huy động cả tổ chức chính trị từ cấp Tỉnh đến cơ sở vào cuộc, ví dụ chiến dịch GPMB đường Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành xong trong 30 ngày. Về vật liệu xây dựng, Tỉnh tận dụng tối đa vật liệu trên địa bàn, vừa bảo đảm giá thành, vừa chủ động nguồn vật liệu... Song song với đẩy nhanh giải ngân, tỉnh Quảng Ninh kiểm soát chặt chẽ để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm hiệu quả đồng vốn bỏ ra.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay, Bình Phước đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch Thủ tướng giao và đã đề nghị bổ sung kế hoạch vốn đầu tư NSTW thêm 190 tỷ đồng. Một trong những bài học kinh nghiệm của Bình Phước là sát sao đôn đốc, tập trung tháo gỡ khó khăn thủ tục đầu tư của lãnh đạo các cấp. “5 giờ chiều tất cả lãnh đạo Tỉnh nhận được tin nhắn về tiến độ giải ngân đầu tư công, cập nhật như thông tin Covid-19”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước chia sẻ. Tỉnh cũng yêu cầu phải giải phóng mặt bằng trước khi bố trí vốn; kiên quyết điều chuyển vốn và 9 tháng đã điều chuyển vốn 10 dự án giải ngân chậm…

Với Thanh Hóa, địa phương giải ngân hơn 77% kế hoạch cả năm, thì một số bài học kinh nghiệm quý được Lãnh đạo Tỉnh chia sẻ là đổi mới công tác chỉ đạo, khẩn trương giao kế hoạch chi tiết năm 2021 cho các dự án; quy định cụ thể các mốc thời gian giải ngân với từng loại dự án; yêu cầu chủ đầu tư ký cam kết giải ngân từng dự án; giao chỉ tiêu GPMB năm 2021 cho từng dự án và yêu cầu các xã, huyện ký cam kết tiến độ…

Bên cạnh những địa phương giải ngân cao, vẫn còn rất nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến 30/9/2021 theo số liệu của Bộ Tài chính dự kiến chỉ đạt 47,38% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (56,33%). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm giải ngân đạt kết quả cao nhất. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến sự chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình trong tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu; coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm.

Chuyên đề