Giá cổ phiếu ngân hàng phân hóa sâu sắc vì chuẩn mực?

Một lý do trọng yếu góp phần lý giải mức độ phân hóa lớn giữa giá cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam...
Thị trường đã đánh giá sâu hơn vào nội tại mỗi ngân hàng, không còn dàn hàng hàng như thời hoàng kim 2006 - 2007.
Thị trường đã đánh giá sâu hơn vào nội tại mỗi ngân hàng, không còn dàn hàng hàng như thời hoàng kim 2006 - 2007.

Nước rút sẽ biết ai đang bận đồ thế nào. Nhưng, khi nước lên không hẳn mọi con thuyền đều nổi và chạy nhanh. Điều này thể hiện rõ trong diễn biến giá cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam năm 2017.

Trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có thị giá trên 30.000 đồng đến trên 50.000 đồng, thì vẫn còn nhóm thời gian qua loay hoay quanh 12.000 - 13.000 đồng, thậm chí một số trường hợp sau nhiều năm đến nay vẫn chưa thể vươn lên mệnh giá.

Tưởng như vô lý, khi một số nhà băng báo cáo nợ xấu giảm mạnh, dự kiến lợi nhuận năm nay tăng trưởng rất cao (thậm chí tới 200% kế hoạch), nhưng giá cổ phiếu vẫn không/chưa thể cải thiện.

Nhưng đây là sự phân hóa theo thực tế không đồng đều trong chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động và triển vọng tăng trưởng giữa các thành viên trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.

Thị trường đã đánh giá sâu hơn vào nội tại mỗi ngân hàng, không còn dàn hàng như thời hoàng kim 2006 - 2007.

Tổng nợ xấu 6 tháng đầu năm 2017 của một số ngân hàng thương mại (nguồn: HSC).

Sự phân hóa càng trở nên sâu sắc một khi có khác biệt trong chuẩn mực hoạt động, khi mà số liệu trên báo cáo tài chính không có sự tương đồng về "chất" để so sánh.

Trong một phân tích đưa ra gần đây, khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) đưa ra quan điểm của một tổ chức chuyên nghiệp: loại trừ hẳn một số ngân hàng ra khỏi so sánh, vì lý do vẫn còn áp hạch toán theo các nguyên tắc kế toán đặc biệt (có cơ chế hỗ trợ để tái cơ cấu sau sáp nhập).

Đây là một trong những lý do trọng yếu, thị trường đã nhận diện và phản ánh ở sự phân hóa sâu sắc giá cổ phiếu ngân hàng năm 2017.

Lý do trọng yếu, vì hạch toán còn theo nguyên tắc kế toán đặc biệt, nên nợ xấu lẽ ra cao nhưng vẫn báo cáo và ghi nhận trên sổ sách ở mức thấp. Và liên quan, chi phí dự phòng và lợi nhuận báo cáo không phản ánh sát thực thực trạng tài chính hiện tại.

Hạch toán khác nhau, báo cáo về lợi nhuận không tuân theo chuẩn mực kế toán thông thường; hay chất lượng lợi nhuận các ngân hàng vẫn còn sự khác nhau, do cách chiết xuất, chứ không đồng nhất so sánh như về mặt số học công bố. Điều này góp phần lý giải vì sao một số ngân hàng báo lãi tăng trưởng cao, dự kiến năm nay vượt xa kế hoạch, song giá cổ phiếu vẫn không hoặc chưa thể thu hẹp được hố sâu cách biệt so với nhiều thành viên khác.

Cũng như ở lợi ích cổ đông, báo lãi và dự kiến lãi tăng mạnh, nhưng sẽ không bất ngờ nếu năm tới một số ngân hàng vẫn không thể trả được cổ tức, hoặc chỉ được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho trả mức thấp, trả bằng cổ phiếu để tranh thủ nguồn lực, để có nguồn tiếp tục gia cố năng lực tài chính.

Và cổ tức cũng là một trong những yếu tố phản ánh vào giá cổ phiếu, vào sự phân hóa sâu sắc hiện nay.

Tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản sinh lãi của một số ngân hàng thương mại (nguồn: HSC).

Dù có (được) cơ chế hạch toán riêng, song gánh nặng níu kéo giá cổ phiếu tại một số ngân hàng vẫn khó lẩn khuất. Vẫn là nợ xấu, được nhìn nhận tổng thể hơn bên ngoài con số báo cáo. Cùng đó, rủi ro tiềm ẩn trong lãi dự thu và các khoản phải thu cũng phản ánh nhất định mức độ nặng nhẹ trong níu kéo giá cổ phiếu…

Tất nhiên, ngoài lý do trọng yếu định hình các yếu tố cơ bản nói trên, mỗi ngân hàng hay giá mỗi cổ phiếu còn gắn với những câu chuyện khác nhau. Một trong số đó, nổi bật năm 2017 là dòng chảy thu hút vốn ngoại bắt đầu.

Các đợt IPO lớn trong lĩnh vực ngân hàng xuất hiện, gắn với những mức giá chào bán thành công cao. Một số ngân hàng thương mại đã tiến hành khóa "room" tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Hút mạnh vốn ngoại là một yếu tố khá riêng, tạo tác động nổi bật đến giá cổ phiếu ngân hàng năm 2017. Nhưng đây lại không phải là mẫu số chung cho tất cả các thành viên, khiến sự phân hóa càng trở nên sâu sắc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư