Giá cả quyết định sức mua bất động sản “nợ xấu”

(BĐT) - Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hoạt động mua bán nợ trở nên sôi động hơn nhiều, trong đó, các khoản nợ xấu được thế chấp bằng tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS) liên tục được bán đấu giá. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều ý kiến lo ngại thị trường khó có thể hấp thụ được lượng BĐS lớn như vậy. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, có cung thì ắt có cầu, vấn đề là giá cả như thế nào! 

Bán đấu giá ồ ạt

Ngay khi Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) có hiệu lực - ngày 15/8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã “nổ phát súng” đầu tiên với việc tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án Cao ốc Saigon One Tower do Công ty CP Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ.

Sau đó, hàng loạt tổ chức tín dụng cũng tiến hành thu hồi tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu là BĐS có giá trị lớn nhỏ khác nhau như: khoản nợ xấu của Công ty TNHH Việt Thuận Thành tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với tài sản bảo đảm là tòa tháp V-Ikon ở TP.HCM; khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bạch Việt tại Ngân hàng TMCP Quân đội với tài sản bảo đảm là Khách sạn Bavico Đà Lạt…

Sau khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng mới rục rịch tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi các khoản nợ xấu này.

Mới đây, VAMC đã bán đấu giá thành công tòa tháp V-Ikon với giá trúng đấu giá là 301,150 tỷ đồng (chỉ vượt 1,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Cần phải nói thêm rằng, trước đó, mặc dù liên tục giảm giá bán nhưng tòa tháp V-Ikon đã trải qua vài lần bán đấu giá bất thành do không có người mua.

VAMC đang có kế hoạch bán đấu giá cao ốc Saigon One Tower để thu hồi khoản nợ xấu. Thông tin sơ bộ cho thấy, giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này lên tới 6.110 tỷ đồng.

Trên thị trường, hiện cũng có nhiều BĐS lớn, nhỏ đang được xúc tiến thực hiện bán đấu giá. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã có thông báo bán đấu giá nhiều BĐS trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Sacombank thông báo bán đấu giá một số khu đất tại trung tâm TP.HCM như: khu đất diện tích hơn 800 m2 tại 61 - 63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Quận 1 với, giá khởi điểm 811 tỷ đồng; dự án 391-393-395-397 Trần Hưng Đạo, diện tích 254,54 m2 được rao bán với giá khởi điểm 67,5 tỷ đồng; dự án tại 333 Điện Biên Phủ, Quận 3, diện tích 270,5 m2 có giá khởi điểm 61,5 tỷ đồng; dự án 28 - 30 Nguyễn Biểu, Quận 5, diện tích 1.744 m2 được rao bán với giá khởi điểm 207,4 tỷ đồng...

Trước nguồn cung BĐS khá “ồ ạt” từ những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhiều ý kiến lo ngại, liệu thị trường có đủ sức để hấp thụ? 

Sẽ khả thi nếu giá khởi điểm phù hợp

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về nguồn cung, cầu của thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, nguồn cung thị trường BĐS sụt giảm nghiêm trọng trên tất cả các phân khúc, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền (theo ước tính sụt giảm 69%), đây là điều rất không bình thường. Một trong những điểm nghẽn khiến nguồn cung sụt giảm, theo ông Châu, đó là việc giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất cho các dự án BĐS.

Nghị quyết 42 mở ra nhiều giải pháp xử lý những khoản nợ xấu, trong đó có 70% khoản nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản BĐS. Do đó, việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng đồng loạt bán nhiều dự án thế chấp cho khoản nợ xấu là một điều rất tốt cho thị trường BĐS hiện nay. Thậm chí, việc triển khai bán đấu giá hiện còn quá chậm, ông Lê Hoàng Châu đánh giá.

Chuyên gia này cũng cho biết, Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện cho việc bán đấu giá các tài sản BĐS không cần phải bảo đảm đúng giá trị sổ sách mà chỉ cần tổ chức đúng quy định, bán đấu giá công khai, phương thức xác định giá khởi điểm sát theo giá thị trường là sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Đồng thuận với quan điểm trên, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhận định, hiện nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tương đối dồi dào nên vấn đề cầu từ phía thị trường không đáng lo ngại. Điều quan trọng là giá bán bao nhiêu, tính pháp lý có đầy đủ hay không, tính thanh khoản của thị trường (mua về rồi bán lại) của tài sản đó như thế nào?

Ông Cấn Văn Lực đề xuất, phải sớm thúc đẩy thị trường mua bán nợ chính thức để tăng tính thanh khoản của tài sản. Cùng với đó, cần sớm cho phép thành lập và vận hành những công ty định giá tài sản chuyên nghiệp để tài sản bán đấu giá được định giá sát và đúng với giá thị trường; cơ chế thực hiện bán đấu giá cần được công khai, minh bạch, độc lập và khách quan; quá trình phê duyệt của các cơ quan liên quan phải nhanh gọn, nếu không sẽ làm mất cơ hội của nhà đầu tư cũng như tính khả thi trong việc bán đấu giá tài sản BĐS.

Chuyên đề