Không ít chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên quên đính kèm các thông tin quan trọng của hồ sơ mời thầu. Ảnh: Tiên Giang |
Nhiều bên mời thầu đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa hoàn thiện, thậm chí bỏ qua các thủ tục đăng tải thông tin đấu thầu sau khi thông báo mời thầu, dẫn tới thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhà thầu.
Coi nhẹ công tác công khai thông tin đấu thầu
Qua kiểm tra công tác đấu thầu tại một trường đại học công lập ở TP.HCM năm 2019, đặc biệt trong quá trình kiểm tra 16 dự án (gồm 137 gói thầu, chưa bao gồm các gói thầu mua sắm trang thiết bị của công trình thư viện), Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, toàn bộ 137 gói thầu không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (không tuân thủ Khoản 1, Điều 33, Luật Đấu thầu); không đăng tải thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trên Báo Đấu thầu (không tuân thủ Điểm a và Điểm đ, Khoản 1, Điều 8, Luật Đấu thầu).
Bên cạnh đó, nhiều gói thầu không lưu trữ đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật như: không có kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án; không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC), thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT); không có quyết định phê duyệt dự toán gói thầu; không có quyết định phê duyệt KQLCNT …
Với các sai phạm trên, rất khó khăn để cơ quan giám sát, kiểm tra vào cuộc bởi đây là những cuộc thầu “trắng” dữ liệu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đoàn kiểm tra bày tỏ quan ngại và cho rằng, Chủ đầu tư đã coi nhẹ công tác công khai thông tin đấu thầu.
Cũng tại TP.HCM, theo khảo sát của Báo Đấu thầu, một tổng công ty lớn thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từ năm 2016 đến tháng 10/2020 đã công bố 84 thông báo mời thầu. Trong số này, rất nhiều gói thầu mua sắm thiết bị được đấu thầu rộng rãi quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, tổng công ty này chưa đăng tải KQLCNT các gói thầu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách đấu thầu của tổng công ty này phân bua: “Lâu nay khi tổ chức đấu thầu, có quyết định phê duyệt KQLCNT, chúng tôi chỉ gửi cho các nhà thầu dự thầu. Quả thật là mới cập nhật quy định phải công bố KQLCNT được… vài tuần nay, không biết đến quy định này”.
Việc một tổng công ty nhà nước mỗi năm chi hàng chục tỷ đồng mua sắm, xây dựng nhưng lại bỏ trống hoàn toàn các thông tin đấu thầu quan trọng trong thời gian dài như vậy là rất đáng quan ngại. Lo ngại hơn khi chính đại diện tổng công ty này khẳng định: “hàng năm đều có gửi báo cáo công tác đấu thầu cho Tập đoàn nhưng không hề được lưu ý vấn đề này”.
Chiêu thức “ém” thông tin mời thầu
Chính vì tình trạng không bán HSMT diễn ra công khai, phổ biến nên cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đã bắt buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh tay nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà thầu. Quyết liệt nhất chính là Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 1/2/2020 bắt buộc công khai HSMT/HSYC trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.
“Nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn có những chiêu thức tinh vi để không tuân thủ nghiêm Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT trong công khai thông tin, đặc biệt là HSMT. Phổ biến nhất chính là việc HSMT không đính kèm các thông tin quan trọng ngoài chỉ dẫn. Và không ít chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên quên hồ sơ thiết kế bản vẽ”, đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia nhận định.
Dù Báo Đấu thầu thường xuyên nêu tên các chủ đầu tư/bên mời thầu “quên” đính kèm thiết kế bản vẽ hoặc đăng tải HSMT chưa hoàn thiện, dẫn tới khó khăn cho nhà thầu, nhưng sự điều chỉnh là chưa tích cực.
Đơn cử, Công an tỉnh Đắk Lắk dù cho biết sẽ kiểm tra HSMT các gói thầu xây lắp thiếu bản vẽ, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục đăng mời thầu các gói thầu không có các tài liệu quan trọng này.
Dù Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT đã có hiệu lực gần 1 năm, nhưng vẫn còn tiếp diễn những câu chuyện bưng bít thông tin. Đây chính là biểu hiện cho việc không công khai, minh bạch trong đấu thầu ngay từ khâu công bố thông tin.