Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón kinh doanh trong năm 2023 không mấy khả quan. Ảnh: Nhã Chi |
Năm 2023 đầy khó khăn với doanh nghiệp phân bón
Theo ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2023 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), tổng sản lượng phân bón tiêu thụ ước đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ Ure ước đạt 866 nghìn tấn, NPK đạt 160 nghìn tấn. Tuy vậy, ảnh hưởng bởi giá bán giảm, trong khi chi phí khí thiên nhiên ở mức cao khiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước của Công ty giảm mạnh so với năm 2022, lần lượt ước đạt 13.572 tỷ đồng và 1.031 tỷ đồng.
Sự sụt giảm giá bán sản phẩm của Đạm Cà Mau diễn ra trong bối cảnh giá phân Ure trên thị trường thế giới giảm mạnh trong năm 2023. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá hợp đồng tương lai phân Urea trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đến cuối tháng 5/2023 có lúc giảm xuống dưới 300 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, giảm 43% so với đầu năm và giảm hơn 70% so với mức đỉnh giá hơn 1 năm trước đó. Trong quý III/2023, giá Ure có một đợt tăng theo đà hồi phục của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2023, xu hướng tăng giá đảo chiều và kết thúc năm ở mức 330 USD/tấn.
Trong khi đó, ở phía đầu vào, giá dầu thế giới giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước; nguồn khí giá rẻ trong nước ngày càng sụt giảm và các doanh nghiệp phải mua khí từ nguồn có giá cao hơn khiến chi phí khí tự nhiên - nguyên liệu sản xuất phân Ure - giảm chậm hơn mức giảm của giá bán và làm thu hẹp biên lợi nhuận. Quý III/2023, biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau đã giảm xuống còn 5,9%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ), ngay trước thời điểm kết thúc năm tài chính 2023, HĐQT Công ty công bố Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 giảm ở hầu hết các chỉ tiêu như: tổng doanh thu giảm từ 17.372 tỷ xuống 13.067 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 2.250 tỷ giảm còn 463 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022.
Trước đó, Đạm Phú Mỹ ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong 9 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần đạt 10.187 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 436 tỷ đồng, giảm 30,8% về doanh thu và giảm 90,2% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Công ty CP Đạm Hà Bắc, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.224 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Kinh doanh dưới giá vốn cùng gánh nặng các khoản chi phí khiến Đạm Hà Bắc lỗ hơn 788 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ năm 2022 lãi gần 1.700 tỷ đồng). Là doanh nghiệp sản xuất phân bón từ than, việc giá than trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao trong khi giá Ure và NH3 giảm mạnh so với giá bình quân năm 2022 đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Đạm Hà Bắc.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón như Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP Phân bón Miền Nam… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém hiệu quả sau 9 tháng đầu năm 2023 và dự báo bức tranh lợi nhuận cả năm không mấy khả quan.
Chờ “cú huých” chính sách trong năm 2024
Các doanh nghiệp phân bón, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân Ure được dự báo còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2024 do giá khí đầu vào cao, trong khi giá bán tiếp tục sụt giảm.
Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo, giá Ure thế giới có thể giảm 8,7% trong năm 2024, trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu Ure lớn là Nga và Trung Quốc được nới lỏng hơn, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại Ấn Độ (đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu Ure) giảm dần. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA), giá dầu Brent sẽ tăng trở lại do chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) sẽ bù đắp cho sự tăng trưởng thấp về nhu cầu tiêu thụ, qua đó hạn chế gia tăng tồn kho dầu.
Đầu năm nay, Đạm Cà Mau công bố chỉ tiêu kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất hơn 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 841,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 795 tỷ đồng, giảm so với số liệu ước tính năm 2023. Tương tự, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.755 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 660 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó đáng chú ý là đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho mặt hàng phân bón tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), được kỳ vọng là “cú huých” đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Trước đó, mặt hàng phân bón nằm trong nhóm chịu GTGT 5% (quy định tại Luật Thuế GTGT năm 2008). Đến năm 2014, với quan điểm phân bón là mặt hàng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nhằm hỗ trợ người nông dân, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), trong đó chuyển phân bón sang nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT. Kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực (năm 2015) đến nay, do phân bón là mặt hàng không tính thuế GTGT nên các doanh nghiệp không được khấu trừ các chi phí GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất (phần lớn có thuế suất 10%) và buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất, làm tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trước bất cập này, các doanh nghiệp phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại tỷ lệ 5% như trước đây. Quy định như vậy vừa giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế GTGT.