Doanh nghiệp FDI không cản được xuất khẩu giảm tốc

Nỗi lo không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay (10%) càng ngày càng lớn, khi sau 6 tháng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ dừng lại ở mức 5,9%, đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) chỉ là 9,1%.
Doanh nghiệp FDI không cản được xuất khẩu giảm tốc

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cách đây ít ngày, đó là ước tính trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước mới đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (9,2%) và cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra cho cả năm là 10%.

Lý giải cho tốc độ tăng trưởng thấp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo Chính phủ đã nhấn mạnh chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ, chưa bằng một nửa tốc độ tăng cùng kỳ năm 2015 là 18%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản lại giảm tới 38,7%, chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng và giá xuất khẩu dầu thô.

Chỉ có một dấu hiệu được cho là khá tích cực, đó là kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ (tăng 6% - trong khi cùng kỳ năm 2015 giảm hơn 7%). Tuy nhiên, điều này không đủ sức để kéo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung lên.

Câu chuyện nằm ở chỗ, nửa đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt mức 5,9%, thì khả năng đạt mục tiêu cả năm gần như rất khó. “Muốn đạt được, thì các bộ, ngành, các doanh nghiệp phải rất nỗ lực”, một lãnh đạo của Bộ Công thương nói.

Nhưng nỗ lực không thôi thì chưa đủ, bởi tăng trưởng xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam chính là giá xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dầu thô, cà phê, cao su, hạt tiêu… đều giảm và khả năng cạnh tranh yếu kém.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra những cơ hội, nhưng cũng gây ra những thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn không chỉ trên thị trường thế giới, mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Nhiều dự báo cho thấy, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm nay, khi kinh tế thế giới dự báo tiếp tục bất ổn, khiến tổng cầu nhập khẩu suy giảm, trong khi nguồn cung vẫn không ngừng tăng. Trong bối cảnh đó, sự kiện Brexit, sự giảm giá của đồng bảng Anh và đồng euro được cho là sẽ “góp phần” làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh và EU.

Có hẳn một báo cáo chuyên đề về các tác động của Brexit với kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU năm 2015 khoảng 19%; 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 19,8%; riêng Vương quốc Anh khoảng 2,9% - tương đương 4,6 tỷ USD, thì những biến cố trên sẽ tác động làm giảm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tác động của Brexit cũng sẽ dẫn đến sự phục hồi chậm, thậm chí suy thoái của khu vực kinh tế này, làm tổng cầu giảm và tất nhiên sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. “Nếu có hiệu ứng ‘domino’ xảy ra với các vùng của nước Anh và cả khu vực EU, thì những tác động đến xuất khẩu Việt Nam còn lớn hơn. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc để có giải pháp ứng phó chủ động, phù hợp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Tất nhiên, đây là những tác động chưa chắc đã ngay lập tức tác động tới xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Song những động thái này cũng thêm một lần nữa khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay không dễ đạt được. Trong các năm tiếp theo, nếu không có giải pháp đột phá trong tìm kiếm thị trường mới, tận dụng các cơ hội do các FTA mang lại, thì Việt Nam cũng khó đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao.

“Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài thường chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng trưởng xuất khẩu của khu vực này lại phụ thuộc vào các dự án lớn. Năm nào có dự án lớn được cấp phép và đi vào hoạt động, thì tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng mạnh, nhưng năm nay không hẳn có những dự án lớn như Samsung ít năm trước đây”, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, với hàm ý rằng, tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó trông chờ hoàn toàn vào khu vực FDI.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu khu vực FDI (không kể dầu thô) chỉ là 9,1%. Tốc độ tăng này không đủ sức để kéo tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên. Những năm trước, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI trông chờ rất lớn vào các nhóm hàng điện thoại, điện tử và linh kiện, song khi tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng này đã “tới hạn” thì khó có thể kỳ vọng mức tăng đột biến như những năm trước đây, khi các dự án như Samsung đi vào hoạt động.

Chuyên đề