Ðể hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, các doanh nghiệp dệt may nội địa sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Ảnh: Lê Tiên |
Muốn hạn chế rủi ro khi thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, nhưng rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn lơ mơ các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), xuất xứ hàng hoá và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS).
Khó hưởng hết ưu đãi thuế quan
Trong một hội nghị mới đây bàn về Cơ chế minh bạch hoá các biện pháp kỹ thuật trong FTA của Việt Nam với đối tác, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương than phiền rằng, các doanh nghiệp còn lơ mơ về TBT dù chúng tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn tại buổi trao đổi với giới doanh nghiệp TP.HCM hôm 15/12 để bàn về việc tận dụng các lợi thế và hạn chế rủi ro khi thực thi TPP, ông Trần Ngọc Liên, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM cho biết, khi tham gia TPP hay FTA Việt Nam - EU, với hơn 90% các dòng thuế sẽ về 0% nhưng các doanh nghiệp nội địa chưa chắc hưởng hết những ưu đãi về thuế quan nếu không thực hiện đúng quy định, không đáp ứng về tiêu chuẩn hàng hoá.
Khi tham gia TPP, ngành này có thị trường rộng hơn và tiến độ giảm thuế về 0% nhanh hơn nên cơ hội để doanh nghiệp dệt may nội địa mở rộng xuất khẩu là rất lớn. Thế nhưng để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, các doanh nghiệp dệt may nội địa sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Liên, để hạn chế tối đa những rủi ro thì các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn hàng hoá trong TPP.
Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chăm chú vào vấn đề hưởng thuế quan ưu đãi từ TPP nhưng lại chưa được trang bị các công cụ để ứng xử trước các hàng rào kỹ thuật thương mại trong TPP cũng như các rào cản về xuất xứ hàng hoá, các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Đây chính là vấn đề mấu chốt nhưng các doanh nghiệp nội địa còn rất chủ quan.
Đơn cử như ngành hàng dệt may, khi tham gia TPP, ngành này có thị trường rộng hơn và tiến độ giảm thuế về 0% nhanh hơn nên cơ hội để doanh nghiệp dệt may nội địa mở rộng xuất khẩu là rất lớn. Thế nhưng để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, các doanh nghiệp dệt may nội địa sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may nội địa lại đang yếu ở khâu nguồn, tức là nguồn cung nguyên, phụ liệu dệt may và lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì từ TPP vì vướng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Thông thường, các TBT được dựng lên nhằm bảo hộ mậu dịch trong nước hoặc bảo vệ các lợi ích quốc gia, nhất là kiểm soát và hạn chế nhập các sản phẩm không đáp ứng với các quy định về môi trường, an toàn, sức khoẻ. Nhưng chúng sẽ trở thành rào cản thương mại nếu quy định quá mức cần thiết nhằm bảo hộ hàng hóa nội địa. Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, việc vướng rào cản TBT là điều hiển nhiên.
Cần đòn bẩy về vốn
Chia sẻ với các doanh nghiệp TP.HCM, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng Phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, điều làm bà băn khoăn là các cuộc điện thoại vào đường dây nóng của Trung tâm để hỏi thông tin về TPP hoặc các FTA, nhất là các vấn đề liên quan đến TBT, xuất xứ hàng hóa và SBS thì thường là của doanh nghiệp ở miền Nam, còn các doanh nghiệp ở miền Bắc vẫn ngại hỏi. Trong khi lẽ ra các quy tắc về xuất xứ hàng hoá trong TPP là rất phức tạp đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải thường xuyên chủ động nắm bắt từ nguồn chính thống.
Cũng theo bà Phùng Thị Lan Phương, tổng điều tra về độ quan tâm của doanh nghiệp nội với TPP cho thấy mặc dù hiểu biết về Hiệp định này rất hạn chế, nhưng tỷ lệ ủng hộ lại rất cao (hơn 70%). Thậm chí đến giờ, với 8 FTA mà Việt Nam đã ký kết thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ về tính hiệu lực của các FTA này.
Đó là chưa kể, như lời một lãnh đạo ở Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp, không phải doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đến TBT, mà do nguồn lực không đủ, vốn yếu nên việc đầu tư cho sản xuất, nhất là các sản phẩm về nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao của các quốc gia là một vấn đề khó.
Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Long, Giám đốc Chi nhánh Đô Thành của Maritime Bank chia sẻ, điểm chính yếu nằm ở nhận thức của doanh nghiệp nội khác xa với các doanh nghiệp FDI, nhất là những hạn chế về mặt tài chính.
Theo ông Bùi Ngọc Long, tham gia TPP nghĩa là “cuộc chơi” đã thay đổi, cạnh tranh sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực. Vì vậy, với TPP, để năng lực tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu mạnh hơn thì cần phải có thêm đòn bẩy từ phía ngân hàng.