Doanh nghiệp bất động sản: Chờ chính sách hay tìm cách tự cứu mình?

(BĐT) - Ngoài mạnh tay chiết khấu để thu hút khách hàng mua sản phẩm, nhiều chủ đầu tư bất động sản (BĐS) còn bán luôn các quỹ đất lớn để tạo dòng tiền, cơ cấu lại nợ nần. Đây là giải pháp cấp bách trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) BĐS chưa tìm được sự đồng điệu từ ngân hàng.
Các chủ đầu tư mong muốn ngân hàng có cách nhìn, đánh giá cụ thể hơn về tính khả thi của từng dự án bất động sản để cấp vốn tín dụng. Ảnh: Tiên Giang
Các chủ đầu tư mong muốn ngân hàng có cách nhìn, đánh giá cụ thể hơn về tính khả thi của từng dự án bất động sản để cấp vốn tín dụng. Ảnh: Tiên Giang

Tổ chức tháng “grand sales” bất động sản, nên không?

Grand sales hiểu nôm na là bán đại hạ giá sản phẩm để kích cầu. Trong bối cảnh thị trường BĐS điêu đứng, một vài ý tưởng được chia sẻ như: tại sao các chủ đầu tư BĐS và ngân hàng không phối hợp tổ chức tháng khuyến mại tập trung đối với lĩnh vực BĐS?

Lãnh đạo của một ngân hàng - người đề xuất ý tưởng này với Báo Đấu thầu - cho rằng: “Tiền trong dân chúng chắc chắn không giảm đi. Huy động của các ngân hàng vẫn tăng ầm ầm, thanh khoản chứng khoán tăng. Chỉ cần một cú hích giảm giá BĐS - như cách nhà bán lẻ ở các nước hay làm grand sales hàng năm - nếu các công ty BĐS lớn phối hợp với các ngân hàng thống nhất cùng tổ chức mỗi năm một tháng grand sales BĐS, chắc chắn sẽ có tác dụng tốt”.

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư BĐS cho biết, dù lĩnh vực BĐS chưa có tháng khuyến mại tập trung, nhưng đối với các DN riêng lẻ thì đã áp dụng từ rất lâu, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, không DN nào không hạ giá bán sản phẩm. Có nhiều chủ đầu tư như Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà K.Đ chẳng hạn, mới đây đã chuyển nhượng 49% vốn tại hai dự án khu dân cư liền kề tại TP. Thủ Đức, TP.HCM cho Tập đoàn Keppel (Singapore) và Quỹ Keppel Việt Nam (KVF), thu về gần 3.200 tỷ đồng. Mức giá này giảm đến vài chục phần trăm so với lúc thị trường sôi động.

“Mọi ý tưởng nhằm giải phóng hàng tồn kho BĐS đều đáng hoan nghênh nhưng phải có người cầm trịch. Đối với thị trường BĐS hiện nay, cả chủ đầu tư và người mua nhà đều rất khát tiền mặt. Để giải cứu thị trường BĐS, vấn đề mấu chốt vẫn là hạ chuẩn tín dụng”, ông Châu nêu quan điểm.

Chọn cách tự cứu mình

Chủ tịch HĐQT một công ty BĐS phân tích: “Từ cuối năm 2022 đến nay, các chủ đầu tư đã hạ giá khoảng 40 - 50% trên sản phẩm, giờ đâu còn gì để hạ. Ngân hàng cần tính toán giảm lãi suất, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và phát động tháng đồng hành cùng chủ đầu tư khuyến mại BĐS ắt sẽ có người mua”.

“Không chỉ hạ giá bán sản phẩm, Công ty đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển nhượng lại quỹ đất ở 8 vị trí đắc địa tại TP.HCM để lấy tiền trang trải hoạt động và cơ cấu nợ nần. DN đang hấp hối, nếu không được cứu vô hình trung tạo điều kiện cho DN nước ngoài thâu tóm”, vị lãnh đạo công ty BĐS này lo lắng.

“Ngân hàng nói chủ đầu tư không hạ giá sản phẩm nhưng cần xem xét từng dự án cụ thể. Nếu thấy dự án nào có giá bán sát với nhu cầu có khả năng thanh toán của người mua thì nên cho chủ đầu tư vay để hoàn thiện dự án”, ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Thiên Đức đề xuất.

Ông N.V.T - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà T.Đ.V kể, DN của ông triển khai một dự án ở Bình Chánh, TP.HCM từ nhiều năm nay, nhưng không vay được tiền vì vướng đền bù giải tỏa. Đến khi giải quyết xong đền bù giải tỏa, thì ngân hàng đòi chủ đầu tư phải triển khai xong phần hạ tầng dự án mới giải ngân. Thiếu tiền mặt, DN phải vay ngoài để đầu tư hạ tầng. Đến nay, mọi việc đã đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, nhưng số tiền 800 tỷ đồng ngân hàng cam kết cho vay vẫn chưa được “rót xuống”.

Ghi nhận nhiều ý kiến từ phía ngân hàng và chủ đầu tư BĐS cho thấy, hiện phía bên cho vay và bên cần vay vẫn chưa tìm được sự đồng điệu, khi bên này phàn nàn bên kia cho vay với lãi suất cao, còn bên kia thì chỉ trích bên này dù “sắp chết ngộp” vẫn chưa đưa giá BĐS về sát với giá trị thực. Trong bối cảnh này, nhiều chủ đầu tư BĐS cho hay, việc phải chiết khấu mạnh để đẩy hàng và bán quỹ đất lúc thị trường trầm lắng là giải pháp “chẳng đặng đừng”, nhưng nếu không làm vậy thì lấy đâu ra dòng tiền để tồn tại trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng vô cùng khó khăn?

Bên cạnh nỗ lực tự cứu mình, các chủ đầu tư rất mong muốn chính sách gỡ khó cho thị trường BĐS nhanh chóng được triển khai, đặc biệt là việc gỡ khó thủ tục pháp lý cho các dự án, đồng thời cần có cách nhìn, đánh giá cụ thể hơn về tính khả thi của từng dự án để cấp vốn tín dụng, thay vì mặc định BĐS là rủi ro từ đó hạn chế rót vốn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư