Doanh nghiệp bảo hiểm, những nỗi lo 2016

Năm 2016, bối cảnh kinh tế, xã hội, môi trường pháp lý và hội nhập có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, buộc khối doanh nghiệp này phải đổi mới, nâng cao năng lực để vươn lên, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, xã hội.
Năm 2015, ngành bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao, nhưng nhiều thách thức đang chờ đón phía trước
Năm 2015, ngành bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao, nhưng nhiều thách thức đang chờ đón phía trước

Những điểm cần lưu ý liên quan đến môi trường pháp lý

Về giao kết hợp đồng bảo hiểm, Bộ luật Dân sự tuy đã bỏ chương Hợp đồng lao động, nhưng nội dung giao kết hợp đồng vẫn chi phối hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Giấy yêu cầu bảo hiểm được coi là đề nghị giao kết hợp đồng bảo hiểm của khách hàng để doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, hoặc đơn bảo hiểm, hoặc ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, muốn cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, hoặc đơn bảo hiểm, cần phải có giấy yêu cầu bảo hiểm của khách hàng. Việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, hoặc đơn bảo hiểm căn cứ vào các nội dung đề nghị giao kết của khách hàng mới là hợp lý, hợp lệ.

Đối với các hoạt động được thiết lập trong đấu thầu, trước khi ký kết, các bên có giai đoạn thương thảo hợp đồng bằng các văn bản trao đổi một số nội dung cho việc xác lập nội dung đó trong hợp đồng bảo hiểm. Các văn bản này được coi là giấy đề nghị giao kết từ phía khách hàng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm và là bộ phận không thể thiếu của hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm cần chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung các nội dung ghi trên giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, hoặc hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức văn bản, nội dung văn bản, thời hạn hiệu lực của đề nghị giao kết.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Liên quan đến trục lợi bảo hiểm, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) đã quy định tội gian lận trong hợp đồng kinh doanh bảo hiểm tại Điều 213. Trong đó, xử phạt các pháp nhân, tổ chức, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp bảo hiểm, các bộ phận, nhân viên, cán bộ và đại lý bảo hiểm.

Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng quy trình phòng chống gian lận bảo hiểm, hoặc lồng ghép vào quy trình giám định, quy trình bồi thường hay quy trình trả tiền bảo hiểm. Cần xác định rõ với khách hàng có dấu hiệu gian lận bảo hiểm khi họ đến nhận tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có quyền gửi cơ quan điều tra.

Năm 2015, toàn ngành bảo hiểm đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: doanh thu bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5%; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; hạn chế được tình trạng nợ đọng, dây dưa phí bảo hiểm; tổng đầu tư tài chính vào nền kinh tế ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18%; bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng, tăng 2%. Ngành bảo hiểm đã thể hiện vai trò là tấm lá chắn tài chính, bảo vệ người tham gia bảo hiểm trước các rủi ro, sự cố bất ngờ.
Về điều kiện kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, có 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ ngày 1/7/2015, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm 5 ngành nghề có điều kiện là: bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và đào tạo đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chứng khoán, bất động sản, cho vay. Ngày 1/7/2016, các điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có 8 ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến hoạt động bảo hiểm, đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhiệm vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm là đóng góp ý kiến để xây dựng các điều kiện kinh doanh nói trên và tuân thủ các điều kiện kinh doanh khi Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung này.

… và môi trường kinh doanh

Năm 2016, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục triển khai các chính sách, chế độ bảo hiểm sau:

Triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (bảo hiểm vật chất tàu thuyền, ngư lưới cụ và tai nạn thuyền viên) đến hết năm 2016 và tiến hành tổng kết đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai giai đoạn tiếp theo.

Triển khai bảo hiểm vật chất xe ô tô theo quy tắc điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê duyệt, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo Thông tư số 37/VBHN-BTC hợp nhất Thông tư 126/2008/TT-BTC, Thông tư 103/2009/TT-BTC, Thông tư 151/2012/TT-BTC từ ngày 1/4/2016, trong đó nâng mức trách nhiệm tới 100 triệu đồng, mức hỗ trợ nhân đạo 50 triệu đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động giám định bồi thường tổn thất thiệt hại dưới 10 triệu đồng, nắm bắt cơ hội khi thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Cục Cảnh sát giao thông, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và phối hợp giữa đơn vị thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm với Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2009/BTC-BCA.

Triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng theo Nghị định 119/2015/NĐ-CP.

Triển khai mạnh mẽ hơn bảo hiểm nhân thọ trên cơ sở Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính: không quy định định mức mua bảo hiểm nhân thọ của người sử dụng lao động cho người lao động (trước đây tối đa là 1 tháng/năm), trừ mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được khống chế tối đa 1 triệu đồng/tháng.

Triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo Thông tư 115/2013/TT-BTC; bán bảo hiểm qua ngân hàng và tổ chức tín dụng theo Thông tư liên tịch số 86/BTC-NHNN; triển khai bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị (Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Quyết định 96/2007/QĐ-BTC về Quy chế triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung).

Chuẩn bị xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 220/2010/TT-BTC về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và thực hiện kế hoạch phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để phát triển bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tốt hơn.

Chuẩn bị xây dựng chế độ bảo hiểm tài sản công và triển khai trong giai đoạn tới.

Chuẩn bị xây dựng chế độ bảo hiểm thiên tai khi Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khi Luật Đầu tư quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một trong các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh không có vốn chủ sở hữu đảm bảo bồi thường trách nhiệm: kế toán, kiểm toán, tư vấn, giám định, khám chữa bệnh, luật sư…

Thực hiện quy định tại Thông tư 194/2014/TT-BTC về không cho trả chậm phí, chống nợ đọng dây dưa, thất thoát không thu hồi được.

Cơ hội và thách thức từ hội nhập quốc tế

Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nắm bắt cơ hội, nhu cầu bảo hiểm tăng nhanh khi các NĐT nước ngoài vào Việt Nam theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Nắm bắt cơ hội tăng trưởng xe ô tô lưu thông tại Việt Nam (bao gồm cả xe các nước ASEAN, Trung Quốc quá cảnh vào Việt Nam) khi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt giảm. Dự báo, đến năm 2025 đạt trên 7 triệu xe (gấp 3,5 lần hiện nay) và nhu cầu sửa chữa xe ô tô bị tai nạn là thay thế bộ phận hư hỏng không chấp nhận sơn, vá, gò, hàn.

Phát triển bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất - kinh doanh, cung cấp sản phẩm xuất khẩu, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người, vật nuôi, cây trồng (thức ăn, đồ uống, hóa mỹ phẩm, y dược, bảo vệ thực vật, phân bón, con giống, cây trồng…).

Phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam ra làm việc tại nước ngoài, hoặc người Việt Nam đi công tác, du lịch, học tập ngắn hạn tại nước ngoài.

Xây dựng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xã hội khi học phí, viện phí được chuyển thành giá dịch vụ, dần dần trích đúng, trích đủ các chi phí của trường học, cơ sở khám bệnh.

Đón nhận nguồn nhân lực của ngành bảo hiểm các nước ASEAN được tuyển dụng hoặc điều động làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam khi thị trường lao động dần dần được tự do trong các nước ASEAN.

Chấp nhận việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ bán qua biên giới từ các nước thành viên WTO, TPP, ASEAN, EU, Hàn Quốc. Chấp nhận cạnh tranh khi có những DN bảo hiểm từ các nước nói trên được cấp phép thành lập hoạt động tại Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư