Đề xuất bổ sung gần 250 dự án điện gió vào quy hoạch: Lo khả năng đáp ứng của hạ tầng

(BĐT) - Bộ Công Thương vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét bổ sung gần 250 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 45.000 MW vào quy hoạch phát triển điện lực. Cùng với đề xuất này, Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió, tránh tình trạng nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư nhưng thiếu lưới truyền tải.
Hạ tầng hệ thống điện nhiều khu vực hiện đã đầy tải, khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió. Ảnh: Lê Tiên
Hạ tầng hệ thống điện nhiều khu vực hiện đã đầy tải, khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW; khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 dự án, tổng công suất là 11.734 MW; khu vực Đông Nam Bộ có 1 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.

Một số dự án điển hình được đề nghị bổ sung quy hoạch như: Nhà máy Điện gió Hướng Linh 5, Nhà máy Điện gió Hướng Hiệp 2; Nhà máy Điện gió số 5 Ninh Thuận; Nhà máy Điện gió Hoàng Hải; Trang trại Điện gió B&T…

Đối với các đề xuất trên, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Thủ tướng đã ban hành quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có hướng dẫn thực hiện… Hơn nữa, tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành, Bộ Chính trị đưa ra một số chỉ đạo quan trọng nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, hiện các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ, nhất là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2018 - 2021 như: Long Phú 1, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Long Phú III… “Các tính toán cung cầu cho thấy, có khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đề cập về khả năng đáp ứng của hạ tầng hệ thống điện đối với các tỉnh có quy mô công suất điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn lo lắng đối với vấn đề này.

Lý do là, theo kết quả tính toán của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, ở khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định, Phú Yên đã tập trung đầu tư khá nhiều dự án điện mặt trời và đang đề xuất bổ sung quy hoạch 4 dự án điện gió. Khu vực này khó có khả năng bổ sung thêm công suất các dự án điện gió bởi lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu… Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, kết quả tính toán cũng chỉ ra, trong chế độ vận hành bình thường thì trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và trạm biến áp 500 kV Đắk Nông vận hành đầy tải…

Nhằm giải tỏa công suất gần 250 dự án điện gió đề nghị bổ sung quy hoạch nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện tuyền tải, hạ tầng kỹ thuật. Đó là nâng công suất trạm biến áp 500 kV Đắk Nông từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA… Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ để giải tỏa công suất các dự án.

Chuyên đề