Cả nước hiện có 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là các vấn đề đặt ra tại Hội thảo Thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam diễn ra ngày 11/6, tại Hà Nội.
Tiềm năng đầu tư hứa hẹn
Phát triển điện gió đang là xu hướng của các nước trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu về điện năng ngày càng tăng một cách bền vững và có trách nhiệm.
Nhìn về tương lai, ông Ashish Sethia, Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn Tài chính năng lượng mới Bloomberg dự báo, các dự án năng lượng tái tạo (điện gió) sẽ có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế.
Về xu hướng công nghệ, ông Ashish Sethia cho biết, nếu như trước đây phải mất 20 năm mới phát triển được 1 MW điện gió thì hiện nay chỉ mất khoảng 5 năm. Điều này sẽ giúp chi phí phát triển điện gió, điện mặt trời ngày càng giảm, có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng sơ cấp khác như khí, than. Trong tương lai, chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể còn giảm nữa khi các yếu tố kéo giá như chi phí đầu tư giảm, đấu thầu cạnh tranh…
Với tiềm năng lớn và sự ưu việt của năng lượng tái tạo, ông Ashish Sethia cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo lúc nào cũng sẵn sàng khoảng 60 tỷ USD cho riêng khu vực châu Á (trừ Trung Quốc).
Còn tại Việt Nam, với tiềm năng lớn để phát triển các dự án điện gió, nhất là từ Ninh Thuận trở vào phía Nam, Chính phủ đặt tham vọng nâng công suất điện gió đến năm 2020 là 800 MW, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Trên cơ sở này, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió, trong đó có cơ chế giá.
Thách thức huy động vốn
Tiềm năng lớn, song việc thúc đẩy huy động đầu tư vào các dự án điện gió tại Việt Nam trên thực tế còn nhiều thách thức. Thống kê gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, tính đến hết 31/5/2019, cả nước mới có 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW. Các nhà máy điện gió đã phát 14,5 triệu kWh trong tháng 5.
Nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư điện gió vẫn e ngại đầu tư vào Việt Nam, theo ông Benoit Nguyen - Trưởng Bộ phận cố vấn năng lượng tái tạo thuộc Công ty Năng lượng DNV GL, là do hợp đồng mua bán điện (PPA) còn nhiều vấn đề. Theo mẫu PPA của Bộ Công Thương hiện nay, hợp đồng không có bảo lãnh của Chính phủ, không rõ cơ chế bồi thường, trọng tài thực hiện là Cục Năng lượng tái tạo, cắt giảm công suất không có chính sách mua hoặc trả tiền…, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư điện gió.
Ngoài vấn đề PPA, bà Hương Trần, Giám đốc thương mại Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo cũng là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư điện gió. Các dự án điện gió thường ở những nơi có phụ tải thấp. Muốn nối lưới cần rất nhiều thời gian để xây dựng đường dây truyền tải, thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng cũng rất lâu. “Các tỉnh phê duyệt đầu tư nhiều dự án điện gió trong khi lưới điện chưa sẵn có… Đây cũng là một rủi ro cho nhà đầu tư cấp vốn”, bà Hương Trần nói.
Về việc huy động vốn cho các dự án điện gió, ông Hoàng Phương, phụ trách mảng đầu tư ngân hàng thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam cho biết: “Đầu tư vào năng lượng tái tạo là lĩnh vực đầu tư mới gần đây thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này lại thường thiếu năng lực nên có tình trạng ngân hàng từ chối tài trợ cho các dự án”.
Để huy động vốn đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh, các hợp đồng mua bán điện của Việt Nam phải được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án cần đơn giản, rõ ràng hơn để có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này. Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của Hiệp hội Điện gió toàn cầu cũng cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường, cũng như quy trình đấu thầu mua sắm để hút vốn đầu tư vào ngành điện.