Để nền kinh tế phục hồi, bứt phá mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiều ý kiến đánh giá, trong tương lai, khả năng phục hồi kinh tế đang được củng cố và các mục tiêu hướng đến trở nên khả thi hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần lưu ý một số rủi ro tiềm ẩn và tìm kiếm các giải pháp, động lực mới để tận dụng cơ hội, bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021.
Kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, triển vọng phục hồi khá rõ ràng và có thể tăng trưởng trở lại mạnh mẽ trong năm 2021. Ảnh: Tường Lâm
Kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, triển vọng phục hồi khá rõ ràng và có thể tăng trưởng trở lại mạnh mẽ trong năm 2021. Ảnh: Tường Lâm

Triển vọng tích cực

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 10/2020 vừa được Ngân hàng Thế gới (WB) công bố, tổ chức này đánh giá cao những kết quả tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua dù chịu tác động nặng nề của Covid-19. Trong đó, WB nhấn mạnh giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục trong tháng 9. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI cam kết giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn là kết quả rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30 - 40% (dự báo mới nhất của UNCTAD).

Còn Báo cáo chiến lược mới nhất của Nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra, đầu tư công đóng vai trò nổi bật trong dẫn dắt tăng trưởng. Đầu tư công bắt đầu tăng tốc từ quý II nhưng đến quý III thì giữ vai trò đầu tàu nổi bật. 9 tháng đầu năm, trong khi vốn đầu tư tư nhân tăng 2,8% (bằng 1/5 mức tăng cùng kỳ năm 2019) và vốn FDI sụt giảm -2,5% (cùng kỳ 2019 tăng 8,4%) thì vốn đầu tư công tăng tới 13,4% (gấp 2,5 lần cùng kỳ 2019). Kết quả tích cực nổi bật khác là xuất khẩu của Việt Nam đã hồi phục khá tốt. Trong quý IV/2020, với yếu tố mùa vụ cuối năm, BVSC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Đặc biệt, xuất khẩu vào thị trường EU có thể hồi phục nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Dự báo về tăng trưởng thời gian tới, nhiều tổ chức quốc tế đều cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020. WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,5 - 3% vào năm 2020.

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2020 phải đối mặt với nhiều thử thách, tuy nhiên triển vọng trung hạn và dài hạn vẫn là tích cực. Mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn trong ngắn hạn, Việt Nam nhiều khả năng sẽ hưởng lợi với dòng vốn trung hạn và dài hạn.

Với đánh giá kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, triển vọng phục hồi khá rõ ràng, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Trung tâm Phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 trở lại mạnh mẽ. Với những lợi thế hiện có, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2021.

Lưu ý những rủi ro tiềm ẩn

WB lưu ý, do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt. WB cảnh báo dư địa tài khóa lại đang bị thu hẹp do chi tiêu đầu tư phát triển tăng mạnh và nguồn thu giảm.

Về chính sách tiền tệ, BVSC đánh giá hiệu quả thực tế của những lần cắt giảm lãi suất điều hành trong việc kích thích tổng cầu càng về sau càng giảm.

Để đón bắt những cơ hội mới, ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị quá trình tái cấu trúc, bao gồm tái cấu trúc thị trường vốn và thị trường tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường vốn hoàn chỉnh. Một điểm quan trọng khác là Việt Nam cần thu hút FDI thông qua hạ tầng, năng lực chính sách và lao động chất lượng cao, thay vì các ưu đãi như trong giai đoạn trước đây.

Đồng thời, nhiều ý kiến khuyến nghị, muốn thu hút dòng FDI chuyển dịch, cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh với chi phí giao dịch thấp. Đây là vấn đề cần được đẩy mạnh hơn nữa khi những đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đang có những chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn về dài hạn, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh nhiều bất định, việc nâng cao sức đề kháng cho nền kinh tế và tìm kiếm những động lực phát triển mới so với thời kỳ trước đại dịch là cần thiết. Nhóm nghiên cứu lưu ý, chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy và càng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đòi hỏi các quốc gia có độ mở thương mại cao như Việt Nam phải tái cấu trúc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tham gia. Đồng thời, sự thiếu hụt hàng hóa có nguồn cung từ nước ngoài buộc Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, tự sản xuất các mặt hàng này, từ đó nâng cao sức đề kháng cho kinh tế Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư