Kinh tế cần thêm các giải pháp mạnh, đúng, trúng, đủ liều

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu phải phấn đấu để tăng trưởng kinh tế năm 2020 không chỉ dương, mà đạt được con số cần thiết để giữ được các cân đối lớn, giữ ổn định đời sống nhân dân.
Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt khoảng 2,12%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%. Ảnh: Lê Tiên
Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt khoảng 2,12%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%. Ảnh: Lê Tiên

Trong những tháng cuối năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra và xây dựng các giải pháp mới mạnh mẽ hơn thì đạt tăng trưởng dương cũng là rất khó khăn, chưa nói đến con số cao hơn.

Không có các giải pháp mới, nền kinh tế sẽ ở đâu?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 8/2020, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng được cải thiện rõ nét, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng cao nhất trong nhiều năm nay. Nhiều địa phương khẳng định giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt 100% trong năm nay.

Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, nhiều chỉ số kinh tế - xã hội 8 tháng vẫn ở mức thấp, tín hiệu hồi phục chưa rõ nét, các động lực tăng trưởng ở mức yếu, một số vấn đề xã hội phát sinh như mất việc làm, giảm thu nhập. Trong đó, sản xuất công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn cả về cung do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và về cầu do thương mại thế giới giảm mạnh, thị trường trong nước còn yếu. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, khoảng 2,2%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23%, do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề đầu ra nên không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất…

“Tác động của đợt bùng phát lần 2 của dịch Covid-19 đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống, sản xuất dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản...”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Các tổ chức quốc tế trong thời gian gần đây đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo xuống còn 2,8%, trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi thì mức tăng trưởng có thể chỉ đạt 1,5%.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu muốn đạt tăng trưởng 2,8% như dự báo của WB thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5%. Nếu không có các giải pháp mới thì rất khó đạt được mục tiêu này.

Kích thích mạnh mẽ cả cung và cầu

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc chưa phát huy tác dụng trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các chính sách tốt cần phát huy, gia hạn, kéo dài đến tháng 12 hoặc sang năm 2021. Tuy nhiên, chính sách cũ là chưa đủ. Trong những tháng cuối năm nay, để tăng trưởng ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, ước tính kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt khoảng 2,12%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, cần xem xét dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa như thế nào để đưa ra các chính sách mới đúng, trúng, đủ liều lượng, kịp thời, không gây áp lực quá lớn cho ngân sách nhà nước và vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế thời gian qua nhắc đến “gói hỗ trợ lần 2” với liều lượng đủ lớn và đủ mạnh, hướng tới đảm bảo đa mục tiêu chứ không đơn thuần là kích thích kinh tế. Phạm vi hỗ trợ không chỉ hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có tác động dẫn dắt, lan tỏa, đang gặp khó khăn.

GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, lưu ý tác động từ dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng phía cầu mà đứt gãy cả phía cung, vì thế cần đưa ra giải pháp cả phía cung và phía cầu. Phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại về sức khỏe và kinh tế, không phải lựa chọn một hoặc hai. Đồng thời, đưa ra các gói kích thích kinh tế phải gắn với giải quyết những khiếm khuyết về cơ cấu của nền kinh tế, tránh các gói kích thích làm cho lạm phát tăng mà tăng trưởng không tăng đáng kể.

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất. Các giải pháp đưa ra phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cả phía cung và phía cầu. Phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước, đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa. Thủ tướng khẳng định, càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế, xác định chiến lược áp dụng kinh tế số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, làm được vậy sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư