Kinh tế 2020: Nhiều dư địa tăng tốc trong chặng nước rút

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được sau ¾ quãng đường của năm 2020 đã tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020 đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Từ đó, có thể tạo tiền đề thuận lợi hơn cho năm 2021 - năm đầu của Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.
9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Cuối tuần qua, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 9/2020, đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của 3 quý đã qua. Tốc độ tăng trưởng GDP 2,62% của quý III đã cho thấy có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét của nền kinh tế. Trong đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 269,2 nghìn tỷ đồng, đạt 57,2% so với kế hoạch (cùng kỳ đạt 49,13%). Trong đó, Dự án Cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đã giải ngân 71,7% kế hoạch vốn, khởi công 3 dự án chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công; đã tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 cũng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, dù bối cảnh khó khăn, trong 9 tháng vẫn có gần 99 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước về số lượng nhưng tổng số vốn đăng ký đạt trên 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu tăng 4,2% với 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tăng trưởng quý III là cơ sở để nhận định có thể đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, với mức phấn đấu từ 2,5 đến 3% và đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.

Quý IV có nhiều dư địa, nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tăng tốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tiêu dùng trong nước và đầu tư sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Tăng trưởng những tháng cuối năm có yếu tố thuận lợi do doanh nghiệp tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu hàng hóa tăng trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với việc cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam, kỳ vọng cuối năm nay và năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam bắt tay triển khai dự án.

Hà Nội - một trong hai đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, đã thể hiện quyết tâm rất lớn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao gấp 1,3 lần bình quân của cả nước. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, trong quý cuối cùng của năm 2020, Hà Nội còn nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn. Đó là đầu tư công còn khối lượng vốn lớn sẽ giải ngân, dù khó khăn nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký không giảm, thu hút FDI cũng không giảm và có thể đạt kế hoạch đề ra cho năm nay là 5 tỷ USD, chỉ số bán lẻ, công nghiệp của Thành phố đều tốt...

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, các tháng cuối năm còn nhiều thách thức rất lớn. Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên CPI bình quân 9 tháng đã đạt 3,85%, gần tiệm cận mức trần 4% nên dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Trong khi đó, giá cả có xu hướng tăng vào những tháng cuối năm, một số mặt hàng có thể tăng giá trở lại khi kinh tế thế giới hồi phục và diễn biến phức tạp của giá dầu có khả năng gây áp lực lên việc điều hành giá cả. Sức chống chịu của doanh nghiệp đã suy giảm nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, lưu trú, ăn uống và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu...

Bên cạnh đó, xuất khẩu đối mặt rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, các nước gia tăng biện pháp phòng vệ trước xu hướng bảo hộ thương mại và biến động của thị trường thế giới. Nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu sụt giảm đã và đang tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định EVFTA bước đầu mang lại tác động tích cực ngay tới xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, nhưng cần có thêm các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Dòng vốn đầu tư FDI có khả năng tiếp tục suy giảm khi tình hình dịch bệnh tại các nước là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Việt Nam có cơ hội thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư nhưng cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một số thị trường như Ấn Độ và Indonesia. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện ngay các điều kiện cần thiết để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, để tăng tốc phát triển, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện để huy động, khai thác, phân phối hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng.

Chuyên đề