Tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giới chuyên gia cho rằng, sự giảm sút của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng qua cần được đặt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới đều suy giảm. Trong khi đó, điểm sáng đáng chú ý là làn sóng dịch chuyển vốn giữa các nước, Việt Nam đang nỗ lực tận dụng cơ hội này.
Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển trên thế giới
Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển trên thế giới

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2020, vốn góp, mua cổ phần giảm do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kéo theo tổng vốn FDI chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,54 tỷ USD.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Dòng đầu tư trên thế giới đã có xu hướng giảm trước đại dịch. Khi đại dịch diễn ra, con số sụt giảm nhiều hơn phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng để đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế”. Do đó, việc FDI vào Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.

Điểm đáng lưu ý hơn, theo ông Toàn, đó là đang có làn sóng dịch chuyển nguồn vốn FDI của thế giới. Đặc biệt, làn sóng rút cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác đang diễn ra rất mạnh mẽ, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam.

“Dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư nước ngoài cao hơn trước đây rất nhiều. Vấn đề là làn sóng đó có đến Việt Nam hay không? Việt Nam tận dụng làn sóng đó như thế nào?”, ông Toàn đặt vấn đề.

Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc đón nhận dòng vốn này. Mới đây, Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony lên kế hoạch rót 1 tỷ USD vào 3 dự án tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).

Theo SSI Research, một số tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn... cũng lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng có thể tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Shin-Etsu Chemical, HoYa Corporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo, Nikkiso… Hầu hết các công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc.

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2020, trong tương lai, cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước do họ có thể trì hoãn kế hoạch đầu tư trong một môi trường nhiều bất ổn như hiện nay. Vậy cần quan tâm hơn như thế nào, các nhà đầu tư mong muốn gì? Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các nhà đầu tư muốn chính sách phải ổn định. Ông Cung cũng đặt vấn đề, tại sao vốn FDI từ EU, Hoa Kỳ vào Việt Nam còn thấp? Trong khi Việt Nam rất cần nguồn vốn đầu tư từ các khu vực này trong giai đoạn tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Vị chuyên gia này lưu ý đến chi phí “không chính thức”. Loại chi phí này không chỉ gây quan ngại với nhà đầu tư nước ngoài mà còn cả nhà đầu tư trong nước. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, hơn 50% số DN được khảo sát cho biết vẫn phải trả chi phí không chính thức. Tỷ lệ này đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chưa được như mong đợi.

Về sự nổi trội của Việt Nam trong “cuộc đua” hút FDI, theo ông Cung, có thể kể đến việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, và các đối tác đó đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới.

Ông Toàn cũng cho rằng, các FTA đang tạo lợi thế cho Việt Nam trong việc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Đề cập các giải pháp theo hướng “quan tâm hơn đến nhà đầu tư” như khuyến nghị của WB, ông Toàn nhấn mạnh, vẫn là bài toán cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đừng đặt thêm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.

“Muốn tránh tụt hậu về thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách và thể chế phải đi trước. Gần đây có những điểm khởi sắc, hết sức đáng mừng về việc cụ thể hóa quyết tâm thu hút vốn FDI chất lượng cao của Chính phủ”, ông Toàn nói. Ngoài ra, vấn đề thực thi chính sách cũng cần nhanh hơn. Thủ tục hành chính cần gọn nhẹ hơn. Những vấn đề này đã nói nhiều rồi nhưng cần cải thiện hơn nữa vì doanh nghiệp vẫn “kêu”... Nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả là những gì vị chuyên gia này kỳ vọng vào chính sách của Việt Nam nhằm đáp ứng bối cảnh mới, thu hút mạnh hơn vốn FDI.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực trước những tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những nút thắt về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực… trong quá trình thu hút FDI, hướng tới xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, không chỉ để thu hút nhà đầu tư mới mà còn giữ chân nhà đầu tư cũ.

Chuyên đề