Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có nhiều lợi thế, song vẫn còn những quan ngại về năng lực hấp thụ vốn, thủ tục hành chính, năng suất lao động… 
Phần lớn doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam đều mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Phần lớn doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam đều mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ đón dòng FDI dịch chuyển vào Việt Nam. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp về những việc cần làm để thu hút được dòng vốn này một cách hiệu quả.

Hạn chế lớn nhất là cải cách thủ tục hành chính

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 1
Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là có thật. Việt Nam có nhiều lợi thế, trước hết là ổn định chính trị và an ninh. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam có thêm 2 ưu thế là chống dịch rất tốt và sức chống chịu của của doanh nghiệp (DN), nền kinh tế với tăng trưởng thuộc top cao. Phần lớn DN Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam đều mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Riêng DN Nhật Bản, trong số 100 DN dịch chuyển khỏi Trung Quốc, 60% DN dự định dịch chuyển sang nước thứ ba, trong đó có tới 42% lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Tuy vậy, các quốc gia trong khu vực cũng đang ra sức cạnh tranh để thu hút dòng vốn dịch chuyển này, như Ấn Độ, Indonesia...

Nhận thấy cơ hội và sự cạnh tranh này, mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải quyết liệt, phải hành động nhanh, cải thiện thủ tục hành chính (TTHC), sẵn sàng về đất sạch và nguồn nhân lực chất lượng cao...

Hạn chế lớn nhất hiện nay là cải cách TTHC, “trên nóng dưới lạnh”, chi phí không chính thức vẫn còn cao. Do đó, rất cần Chính phủ và các địa phương làm sao để nhà đầu tư nước ngoài có thể đi vào sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ các quy định, thủ tục về hải quan, xuất nhập khẩu... để tạo điều kiện tốt nhất cho các DN chế xuất hoạt động, xuất khẩu.

Cần xác định chiến lược lựa chọn đối tác, lựa chọn đầu tư

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 2
Chính phủ Mỹ đang dành khoản tín dụng ít nhất là 100 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác của các DN vay vốn thực hiện hợp đồng với DN Hoa Kỳ. Đây là cơ hội để các DN Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này dựa trên sự kết nối DN hai bên.

Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn này, vẫn có điều đáng lo là năng lực tiếp nhận của nền kinh tế. Nếu chúng ta không chuẩn bị năng lực tốt thì nhà đầu tư lại ra đi và rất lâu sau họ mới quay trở lại. Do đó, chúng ta phải xác định chiến lược lựa chọn đối tác, lựa chọn đầu tư, chứ không tiếp nhận dàn trải. Từ đó, xác định được một số lĩnh vực, đối tác trọng tâm và tập trung thu hút với chiến lược thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Cơ hội cho chúng ta đang rất lớn, song chúng ta phải tinh chỉnh lại cách tiếp cận để đón làn sóng này.

Đầu tư mạnh hơn về đất đai, kết cấu hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 3
Hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 97.800 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 75%. Ngoài ra, còn 17 khu kinh tế (KKT) ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 845.000 ha. Kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông... đều được chú trọng đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, những nguồn lực đó chỉ đủ phục vụ, thu hút các doanh nghiệp FDI trong điều kiện bình thường, nếu có một làn sóng vốn FDI ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn tới thì e là không đủ. Các cảng biển đã quá tải, giao thông ùn tắc. Mặc dù quỹ đất tại các KKT, KCN hiện hữu vẫn còn, nhưng không đủ dư địa để phát triển.

Do đó, muốn thu hút, hấp thụ được làn sóng FDI vào Việt Nam, trước hết phải đầu tư mạnh hơn về đất đai, kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, chi phí logistics rẻ thì mới dễ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, xây dựng các KCN, KKT để thu hút nhà đầu tư. Hiện các KCN, KKT tập trung nhiều ở các khu vực kinh tế lớn như Bắc Bộ, Nam Bộ, trong khi miền Trung là khu vực phát triển công nghiệp chưa mạnh, ta có thể đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, cảng biển để thu hút FDI vào khu vực này.

Chuẩn bị nguồn lực con người và bảo đảm sở hữu trí tuệ

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 4
Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất Việt Nam cần chuẩn bị để đón dòng vốn đầu tư này là vấn đề về nguồn lực con người có năng suất lao động tốt. Dù được cải thiện trong thời gian gần đây, song thực tế là năng suất của lao động Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp. Do đó, cần chuẩn bị và cải thiện điều này. Nên nhớ, chất lượng lao động tốt cũng là yếu tố khắc phục được tính cơ hội của dòng dịch chuyển đầu tư, tức là, các nhà đầu tư ban đầu đến Việt Nam có thể mang tính cơ hội nhưng sẽ bị giữ chân lại bởi những yếu tố về nguồn nhân lực, kỹ năng, năng suất lao động.

Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và được chú trọng trong các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết với Việt Nam. Đây là yếu tố then chốt, có thể giúp Việt Nam tiếp cận được các thị trường lớn. Việc thực hiện tốt và tạo niềm tin về bảo đảm SHTT thì Việt Nam thu hút được đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có quan ngại là khi thực hiện tốt công tác này, không khéo lại nhận được đánh giá là gây rào cản chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật. Vậy làm thế nào để đạt được cả 2 mục tiêu là thu hút đầu tư, bảo đảm SHTT và khuyến khích việc chuyển giao công nghệ? Đó là vấn đề mà công tác bảo đảm SHTT cần tính đến.

Tin tưởng Việt Nam sẽ cải cách hiệu quả

Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 5
Có thể thấy rằng sức hấp dẫn của Việt Nam là chính trị ổn định, chính sách cởi mở, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan khác tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhà đầu nước ngoài. Các vướng mắc đều được giải quyết. Không phải nước nào cũng được như vậy.

Về mặt pháp lý, Luật Đầu tư và Luật DN hiện khá cởi mở và có triển vọng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, do đó, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, một số khuôn khổ pháp lý đang hoàn thiện, nên thỉnh thoảng còn một số yếu tố vướng mắc, chẳng hạn như sự thiếu thống nhất trong triển khai thực thi pháp luật giữa Trung ương và địa phương. Song, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách hiệu quả.

Thực hiện tốt các cam kết

Ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Đón sóng FDI với tinh thần “tiến công, chủ động” ảnh 6
Hơn 20 năm qua, Cienco4 đã cùng nhiều đối tác nước ngoài hợp tác, liên doanh đầu tư, phát triển thị trường tại Việt Nam. Các đối tác đều đánh giá cao lợi thế ổn định về chính trị của Việt Nam, là thị trường tiềm năng với dân số đông, nguồn lao động dồi dào.

Tuy nhiên, để tạo ra “cú hích” trong thu hút FDI thì khung pháp lý  của Việt Nam cần phải rõ ràng, minh bạch và nhất quán.

DN nước ngoài coi trọng cam kết trong việc thực hiện chính sách. Các cơ quan thực thi của Việt Nam cần nỗ lực để thực hiện đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng, điều ước và kịp thời giải quyết thấu đáo kiến nghị của nhà đầu tư để họ yên tâm khi đầu tư vào đây.

Chuyên đề