Thúc đẩy liên kết giữa khối FDI với DN Việt

(BĐT) - Với những lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân sự, quy mô, mạng lưới..., các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững.
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh mới và bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Trương Gia
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh mới và bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Trương Gia

Đây là lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn DN Việt Nam 2019 (VBF 2019) diễn ra sáng 10/1 tại Hà Nội.

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh VBF tổ chức. Chủ đề của VBF 2019 là “Vai trò và đóng góp của cộng đồng DN FDI trong phát triển nhanh và bền vững”. 

FDI là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ghi nhận những đóng góp của khu vực FDI trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp gần 20% GDP. FDI còn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam... Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các DN FDI đã và đang có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng. Nhiều DN đã đầu tư, áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong sản xuất. Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đã có những công đoạn sản xuất công nghệ cao được thực hiện ở Việt Nam. Tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của DN trong nước cho DN FDI trong một số ngành, lĩnh vực như xe máy, điện tử gia dụng, công nghiệp công nghệ cao, điện tử tin học, viễn thông, ô tô và thiết bị đồng bộ khá cao.

Bên cạnh đó, nhiều DN FDI đã có chiến lược sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện rất tốt trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. 

Chung tay để phát triển nhanh và bền vững

Chính phủ xác định mục tiêu xuyên suốt là phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh mới và bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng năng suất lao động.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “DN như con ong chăm chỉ, không chỉ hút mật ngọt mà còn thụ phấn đơm hoa, kết trái. Các nhà đầu tư đến Việt Nam không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn hợp tác, lan tỏa với khu vực trong nước, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển hướng tới sự hợp tác hiệu quả, bền vững và lâu dài”.

Ủng hộ quan điểm này, bà Virginia B. Foote - đồng Chủ tịch Liên minh VBF cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ giải quyết được thách thức ô nhiễm không khí và suy thoái môi trường do quản lý chất thải kém hiệu quả..., mà còn là cơ hội to lớn cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Việc khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ dẫn lối thành công cho Việt Nam trong tương lai.

“VBF sẽ sát cánh với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để xây dựng một Việt Nam xanh và sạch hơn”, đại diện Liên minh VBF nhấn mạnh.

Để giúp FDI cắm sâu rễ, bền gốc vào nền kinh tế Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, các DN FDI cần coi sự liên kết với khu vực trong nước là thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không chỉ tuân thủ pháp luật và hướng tới mục tiêu lợi nhuận.

Ông Lộc kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN Việt Nam có thể tăng cường kết nối với DN FDI, tham gia chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng toàn cầu. Trong năm 2020, Chính phủ cần ưu tiên xem xét và đề xuất sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật đầu tư kinh doanh; đảm bảo thực hiện đồng bộ và tăng cường kỷ luật thực thi pháp luật; tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh...

Đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, xác đáng và tâm huyết của các chuyên gia và cộng đồng DN tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan tiếp thu để hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính… trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư