Tín hiệu lạc quan từ sự dịch chuyển kép dòng vốn FDI

(BĐT) - Theo số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4 tháng đầu năm 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, các chỉ số đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Điều này không quá bất ngờ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. 
4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, so với các nước trong khu vực và thế giới thu hút FDI của Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu khá lạc quan.

Tỷ lệ giảm thấp nhất khu vực

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm (tính đến ngày 20/4/2020) đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, 984 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 6,78 tỷ USD, giảm 9,1% về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký so với 4 tháng đầu năm năm 2019. Có 335 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm đạt trên 3,07 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị gần 2,48 tỷ USD, tăng 32,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,7% giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến ngày 20/4/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019...

Đánh giá về kết quả trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên cung - cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Dịch bệnh làm cho lực cầu yếu đi rất nhiều, khiến kinh tế thế giới năm 2020 rơi vào suy thoái, tệ hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Theo ông Lực, dòng vốn FDI 4 tháng đầu năm sụt giảm song kết quả này vẫn khả quan khi cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các nước trong khu vực. Về sự sụt giảm lượng vốn góp, mua cổ phần, do các nhà đầu tư có hiện tượng bán ròng mạnh, Việt Nam vẫn có mức giảm thấp nhất so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ... Dự báo, vốn đăng ký FDI năm nay sẽ giảm từ 10 - 15% so với năm ngoái.

Mặc dù vậy, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nếu trừ đi Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, thì quy mô trung bình chỉ trên 2 triệu USD/dự án - quá nhỏ so với mục tiêu thu hút 10 - 15 triệu USD/dự án. Hiện vẫn có rất ít dự án phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 

Nắm bắt thời cơ từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư kép

Triển vọng thu hút FDI trong thời gian tới được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội.

Theo ông Lực, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á để hạn chế rủi ro trong 1 - 2 năm vừa qua. Tâm lý e ngại rủi ro này cùng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư thúc đẩy tiến trình dịch chuyển nhanh chóng và quyết liệt hơn, tạo nên một cuộc dịch chuyển dòng vốn đầu tư kép. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm đến sáng giá bởi tiềm năng phát triển kinh tế, khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như Chính phủ quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Để nắm bắt cơ hội này, ông Lực cho rằng, Việt Nam cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp đồng bộ; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. DN cần chủ động thay đổi chuỗi cung ứng để tránh sự lệ thuộc vào một khu vực hoặc một quốc gia, hạn chế rủi ro đứt gãy trong tương lai và đa dạng hóa thị trường.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để hấp dẫn dòng vốn FDI trong thời gian tới. Cụ thể, Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Sự an toàn chính là một trong những yếu tố quan trọng được giới đầu tư nước ngoài quan tâm lớn nhất hiện nay. Cùng với đó, chính sách công khai, minh bạch thông tin trong điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua khiến nhà đầu tư tin tưởng vào những số liệu được công bố.

Theo ông Mại, dịch bệnh chỉ tác động tạm thời đến thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát mới đây của JETRO cho thấy, có tới 65,8% DN Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% DN Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Ngoài ra, với chi phí thuê đất, văn phòng, nhân công của Việt Nam ở mức thấp cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề