Thu hút FDI: Bất cập chính sách ưu đãi thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chính sách ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá lại các chính sách này về mục tiêu, tác động, chi phí và lợi ích để đảm bảo chống thất thu ngân sách nhà nước và bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế.
Nên lựa chọn những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Ảnh: Minh Khuê
Nên lựa chọn những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn. Ảnh: Minh Khuê

Đánh giá về chính sách ưu đãi thuế để thu hút vốn FDI, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan thuộc Học viện Tài chính chỉ ra điểm hạn chế lớn nhất là mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng và dàn trải (đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập DN) làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Các DN FDI đang được hưởng nhiều từ chính sách ưu đãi thuế. Trong giai đoạn từ 2012 - 2017, tỷ trọng về số thuế thu nhập DN (TNDN) được ưu đãi, miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN được miễn, giảm của DN cả nước lên đến 76%; tỷ lệ số thuế TNDN được ưu đãi, miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của DN nhà nước (DNNN) là 4,6% và của DN ngoài quốc doanh là 14%.

Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Quốc Văn,  Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ cho rằng, hệ thống chính sách, quy định về ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành, lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc chưa hiệu quả. Đối tượng chọn lọc trong các văn bản luật chưa được định nghĩa rõ ràng khiến cho các ưu đãi thuế và trợ cấp không đến được đúng đối tượng.

Chẳng hạn, Luật Thuế TNDN quy định áp dụng thuế ưu đãi đối với “lĩnh vực công nghệ cao như điện tử”, nhưng lại không định nghĩa rõ thế nào là công nghệ cao mà chỉ xếp theo tên nhóm ngành, dẫn đến ngành “lắp ráp điện tử” cũng được xét là đối tượng hưởng ưu đãi.

Từ những điểm hạn chế nêu trên, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, cần sửa đổi các chính sách thu hút vốn FDI theo hướng coi chính sách thuế chỉ là một bộ phận cấu thành trong chính sách thu hút vốn đầu tư và không phải là điều kiện quan trọng nhất. Đồng thời, không nên quá tập trung vào chính sách ưu đãi thuế, mà cần hướng đến một hệ thống thuế minh bạch, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, cần thu hẹp diện ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế TNDN. Theo đó, chỉ nên tập trung ưu đãi thuế đối với một số ít ngành, lĩnh vực rất quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước, các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, lĩnh vực xã hội hóa, công nghệ, môi trường và liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ngoài ra, nên lựa chọn những hình thức ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các DN đầu tư dài hạn, nên giảm bớt đối tượng được áp dụng hình thức miễn thuế, giảm thuế TNDN có thời hạn và giảm bớt thời gian miễn thuế, giảm thuế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục Thuế cho rằng, nên hướng đến một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp cho người nộp thuế thay vì chỉ tập trung ưu đãi thuế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, củng cố hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý chặt chẽ các nguồn thu từ các DN FDI, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm DN FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Từ khía cạnh khác, ngành thuế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN phát sinh giao dịch liên kết, trong đó có DN FDI, tập trung vào các DN lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất, lắp ráp theo các đơn hàng của công ty liên kết ở nước ngoài, các tập đoàn có nhiều DN thành viên.

Đồng thời, củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành và các địa phương để củng cố cơ sở dữ liệu phục vụ cho phân tích rủi ro, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư