Sẵn sàng để đón dòng FDI dịch chuyển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian gần đây, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày một rõ nét. Nhiều địa phương, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư này.
Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển. Ảnh: Lê Tiên
Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển. Ảnh: Lê Tiên

Xu hướng rõ nét

Nhận xét về tình hình thu hút ĐTNN, Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid tác động nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia và nhiều doanh nghiệp (DN), nhưng vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh tại Việt Nam trong 8 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng lần lượt là 6,6% và 22,2%. Cụ thể, đăng ký mới có 1.797 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn có 718 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD. Điều này cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng hiện vẫn có rất nhiều nhà ĐTNN quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Mới đây, trong số 30 DN Nhật Bản được nhận trợ cấp của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) thông qua Chương trình Tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài, có tới 15 DN đăng ký mở rộng đầu tư sang Việt Nam...

Không chỉ Nhật Bản hay các quốc gia ở khu vực châu Á, một số nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu cũng đang xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Tập đoàn Millennium (Mỹ) đang khảo sát, nghiên cứu Tổ hợp dự án điện - khí tại khu vực Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD và dự kiến nâng lên 15 tỷ USD trong tương lai. Hay Công ty Cophenhaghen Infrastructure Partners (CIP - Đan Mạch) cũng vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận về việc phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW với tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD...

Chuyển động từ các địa phương

Để có thể đón được dòng vốn ĐTNN dịch chuyển, theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN (VAFIE), Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng đất sạch trong các KCN, KCX, khu công nghệ cao hiện có; đồng thời đầu tư xây dựng các KCN, KCX mới với sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn...

Theo ông Nguyễn Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An, địa phương này đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung các giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ sau đầu tư; tập trung giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tham mưu chính sách ưu đãi về giá đất đối với các KCN bảo đảm thực sự hấp dẫn. Đồng thời, phối hợp với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động, khuyến khích dự án có công nghệ sử dụng vật liệu tái chế, tái sử dụng năng lượng, chất thải, nước thải công nghiệp và dự án có tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định về cơ hội thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các KCN Bắc Ninh có nhiều thuận lợi. Đó là vị trí địa lý cùng khả năng liên kết vùng, khu vực thuận lợi; hạ tầng trong và ngoài KCN được xây dựng đồng bộ. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, có chính sách đãi ngộ, an sinh xã hội dẫn đầu cả nước, thường xuyên dành nguồn lực phục vụ KCN. Lãnh đạo Tỉnh quyết liệt trong chỉ đạo điều hành lắng nghe, thấu hiểu, tháo gỡ kịp thời khó khăn của DN; giải quyết các thủ tục hành chính công nhanh, gọn đáp ứng yêu cầu của người dân và DN.

Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cũng nhận thấy một số khó khăn trong phát triển KCN và thu hút ĐTNN vào các KCN Bắc Ninh. Quỹ đất công nghiệp có sẵn cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê với diện tích lớn không còn nhiều. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các KCN còn rất chậm. Các vấn đề an sinh xã hội như: nhà ở công nhân, trường học cho con em công nhân, điểm vui chơi… chưa được đầu tư đồng bộ và theo kịp với sự phát triển của KCN.

Do đó, để đón làn sóng đầu tư mới và lựa chọn được những dự án, nhà đầu tư có chất lượng, ông Mai cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Cụ thể, các KCN Bắc Ninh thực hiện một số giải pháp như: chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch; đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng hạ tầng đồng bộ trong và ngoài KCN, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các KCN mới thành lập, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN, ưu tiên đầu tư vào an sinh xã hội gắn với các KCN…

Nỗ lực thu hút dòng vốn FDI của các địa phương là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, ông Nguyễn Văn Toàn lưu ý, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển, trong đó cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể.

Chuyên đề