Gỡ nút thắt đón làn sóng dịch chuyển FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Covid-19 đã làm bộc lộ khiếm khuyết của những mô hình và giá trị truyền thống, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặt các tập đoàn đa quốc gia trước những thách thức phải thay đổi. Một làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới đang hình thành, là cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp nhận FDI, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bài toán lợi ích luôn là ưu
tiên hàng đầu, một cuộc di dời chỉ xảy ra khi có những lợi thế so sánh vượt trội.
Ảnh: Lê Tiên
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bài toán lợi ích luôn là ưu tiên hàng đầu, một cuộc di dời chỉ xảy ra khi có những lợi thế so sánh vượt trội. Ảnh: Lê Tiên

Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam phải làm gì để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc đua tranh này?

Thời vận thu hút FDI đang tới

Sự dịch chuyển FDI trên thế giới không phải bây giờ mới xuất hiện. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những mâu thuẫn địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trở nên gay gắt đã ảnh hưởng đến cả quan hệ chính trị và ngoại giao giữa các nước. Hơn nữa, quan hệ đầu tư giữa Trung Quốc với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia ASEAN xuất hiện sự cố, buộc các đối tác của Trung Quốc phải cảnh giác để bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhiều quốc gia, tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia trên thế giới đã và đang trong quá trình thực hiện chính sách đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng sản xuất của họ, trong đó “chính sách hướng nội”, “chính sách Trung Quốc + 1”... là những thí dụ điển hình.

Trong bối cảnh đó, Covid-19 xuất hiện như là cú hích mạnh mẽ tạo nên làn sóng dịch chuyển FDI đã được hình thành từ những năm trước.

Gần đây, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng kế hoạch dịch chuyển, xắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) FDI của họ sau cú sốc lớn do Covid-19 gây ra. Nhật Bản đã quyết định chi 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các DN FDI chuyển và mở rộng sản xuất về nước hoặc sang nước thứ ba. Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố đẩy mạnh kế hoạch di chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất khỏi Trung Quốc về Mỹ và sang một số nước.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bài toán lợi ích và lợi nhuận (trước mắt và dài hạn) luôn là ưu tiên hàng đầu, một cuộc di dời chỉ xảy ra khi có những lợi thế so sánh vượt trội. Chính vì vậy, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, bên cạnh sự hối thúc, còn đưa ra những chính sách khuyến khích, gói hỗ trợ kinh tế rất lớn để thực hiện sự dịch chuyển, phân tán rủi ro với các DN FDI của họ.

Trong khi đó, nước có nguy cơ nhiều nhà máy FDI rời đi sẽ tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư như thay đổi chính sách theo hướng tạo thuận lợi, mở rộng ưu đãi nhà đầu tư. Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới, nơi sẽ có làn sóng dịch chuyển FDI rời đi, song với dân số hơn 1,4 tỷ người, với lực lượng lao động chất lượng và hùng hậu, quy mô nền kinh tế và thị trường vào bậc nhất thế giới, với những chính sách để giữ chân nhà đầu tư, sẽ là lực cản lớn trong làn sóng di dời FDI.

Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút dòng FDI dịch chuyển này. Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, quy mô nền kinh tế vượt trội, trình độ lao động và hệ thống đào tạo kỹ sư tiên tiến đang có tham vọng thu hút hàng nghìn công ty lớn trong quá trình dịch chuyển FDI. Trong khu vực ASEAN, không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar, đặc biệt là Indonesia với lợi thế dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1.000 tỷ USD, hiện thu hút FDI cao hơn Việt Nam cũng đang tung ra nhiều chính sách ưu đãi.

Và hành động của Việt Nam

Mới đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đạt được thỏa thuận với một số bộ, địa phương về việc di dời sang Việt Nam hàng chục xí nghiệp FDI quy mô lớn, như Apple (Mỹ) chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc sang nước ta để sản xuất 30% tai nghe không dây xuất khẩu, Panasonic (Nhật Bản) chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt từ Băng Cốc (Thái Lan) sang Hà Nội...

Mặc dù đứng thứ ba ASEAN trong thu hút FDI, song nước ta vẫn còn những hạn chế nội tại không nhỏ. Năng lực của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa còn yếu; sự liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện nhưng vẫn nằm trong tốp dưới trong khu vực ASEAN, khó khăn khi tiếp nhận các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Hệ thống logistics còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và giá thành khá cao so với khu vực... Môi trường pháp lý đã được cải thiện, song việc thực thi còn nhiều bất cập... Tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh” còn gây quan ngại cho các nhà đầu tư.

Trong phiên họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 20/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình, triển vọng và giải pháp thu hút FDI. Báo cáo đã hiện thực hóa chủ trương, định hướng và giải pháp triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu hút sự dịch chuyển dòng vốn FDI sang nước ta.

Theo đó, về giải pháp trung và dài hạn, cần xây dựng chiến lược cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và lộ trình thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, thủ tục hành chính cần được tiếp tục đơn giản hóa, thuận tiện, hiệu quả.

Trước mắt, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dịch chuyển FDI. Trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Rà soát để chuẩn bị đầy đủ mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hiện có và xây dựng mới với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật... Tạo thuận lợi về thủ tục để tiếp nhận các nhà máy, xí nghiệp FDI chuyển đến Việt Nam.

Đặc biệt, cần xây dựng các thủ tục rút gọn đối với các nhà máy FDI dịch chuyển so với các dự án mới để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho DN. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chiến lược, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số. Đơn giản hóa các thủ tục lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu chi phí logistics. Tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc, vận hành hiệu quả Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thúc đẩy hợp tác FDI.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư