Công khai, minh bạch thông tin dự án, đấu thầu cạnh tranh thì mới đảm bảo có dự án PPP tốt. Ảnh: Lê Tiên |
Nhà đầu tư “tự biên tự diễn”
Các dự án BOT giao thông đang thu phí hoặc đang xây dựng hiện nay đã được lựa chọn nhà đầu tư từ trước khi có những quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đối với các dự án BOT đã thực hiện thời gian qua, chủ yếu là do nhà đầu tư lập đề xuất dự án. Bên cạnh đó, việc phê duyệt các đề xuất dự án này của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự hiệu quả, dễ để nhà đầu tư tận dụng sự lỏng lẻo của pháp luật để trục lợi. Nhiều trường hợp, dự án đầu tư do nhà đầu tư lập sai lệch quá lớn so với thực tế. Quy mô và tổng mức mức đầu tư trong giai đoạn lập đề xuất dự án chỉ bằng 50% đến 60% quy mô và tổng mức đầu tư dự án thực tế sẽ phải thực hiện, việc này nhằm mục đích để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền dễ dàng thông qua đề xuất dự án do nhà đầu tư đưa ra. Nhưng ngược lại, tại bước lập dự án đầu tư cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án, nhà đầu tư lại đưa tổng mức đầu tư lên 1,5 đến 2 lần so với tổng mức đầu tư thực tế sẽ phải thực hiện.
Điều đáng nói là nhà đầu tư lập dự án hầu hết đều được chỉ định thực hiện dự án mà không thông qua quy trình đấu thầu cạnh tranh. Theo thống kê của Bộ GTVT, 69 dự án BOT với tổng mức đầu tư 186.481 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 (tính đến hết tháng 7/2015) đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Các dự án BOT triển khai trước năm 2010 cũng áp dụng hình thức này.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, mấu chốt của những vấn đề nảy sinh liên quan đến chất lượng dự án BOT giao thông, lợi ích các bên,... là do quá trình lựa chọn nhà đầu tư không có sự cạnh tranh, hầu hết đều chỉ định nhà đầu tư.
Việc chỉ định nhà đầu tư đã dẫn đến nhiều hậu quả, như nhiều nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, nguồn vốn thực hiện dự án dựa hoàn toàn vào vốn vay thương mại với lãi suất cao; mức phí cao, thời gian hoàn vốn dài, có dự án chỉ cần khoảng 10 - 15 năm để hoàn vốn, nhưng nhà đầu tư tự tính thời gian thu tới hơn 20 năm... Nhiều dự án chất lượng kém, vừa đi vào hoạt động đã hằn lún, hư hỏng.
Bên cạnh đó, một báo cáo của Bộ KH&ĐT đã chỉ ra, cơ chế kiểm tra giám sát các hoạt động đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các dự án BOT mang tính hình thức, không hiệu quả, hầu như phó thác toàn bộ cho nhà đầu tư từ giai đoạn lập dự án và thực hiện dự án, nhiều khối lượng, đơn giá vượt gấp 20 lần thực tế nhưng vẫn được chấp nhận và hoàn thiện thủ tục để thanh toán nhưng không có cơ chế kiểm soát.
Khó giám sát vì thiếu thông tin
Hợp đồng một bên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, một bên là doanh nghiệp ký, bên ngoài không đóng dấu mật, tại sao lại có điều khoản bảo mật?
Vị đại diện của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng chia sẻ thêm, ông cũng là 1 đại biểu của Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP. Hà Nội nhưng khi không có thông tin dự án thì không có cơ sở để phản biện. Ông cho rằng, suất đầu tư dự án BOT do chính nhà đầu tư xây dựng, nên phải kiểm soát chặt chẽ.
Từ tiếng nói của doanh nghiệp vận tải – đối tượng quan trọng chịu tác động của các dự án BOT giao thông, ông Bùi Danh Liên ủng hộ tiếp tục đầu tư BOT, nhưng cần đầu tư minh bạch.
Công khai, minh bạch thông tin dự án BOT, đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chính là cái gốc để đảm bảo hiệu quả, chất lượng dự án, đảm bảo lợi ích cân bằng giữa các bên.