Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết |
Vượt ra khỏi khuôn khổ một hội nghị tổng kết thông thường, đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư cùng ngồi lại nhằm đưa ra những đánh giá khách quan, toàn diện về thành công không thể phủ nhận mà các dự án BOT hạ tầng giao thông đã mang lại trong 5 năm qua, đồng thời nghiêm túc nhận diện những tồn tại đã ít nhiều làm biến dạng các dự án xã hội hóa đầu tư này. Việc thống kê, tổng kết này sẽ giúp hoàn thiện cơ chế về các công trình BOT, BT, tránh những đổ vỡ đáng tiếc cho nhà đầu tư và cho toàn xã hội.
Cần phải nói thêm rằng, trong điều kiện thiếu vốn hiện nay, chủ trương huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức BOT, BT là đúng đắn. Tuy nhiên, khi xây dựng hạ tầng giao thông, phải hết sức chú ý đến hiệu quả xã hội.
Lý do là các công trình có đặc thù phục vụ trực tiếp, phát huy hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội ngay lập tức và cũng có ảnh hưởng xã hội rất lớn. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, trong đó có chất lượng công trình BOT.
Bên cạnh đó, việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, kết quả các cơ sở tính phí, nhất là kết quả thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán, cũng như trên thực tế trước và sau khi dự án hoạt động dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, cho sự lạm dụng. Điều này còn làm nảy sinh những nghi ngại về độ chính xác, hợp lý của mức phí, của thời gian thu phí, đối tượng thu phí… đồng thời dẫn đến nguy cơ gây bất ổn và thiệt hại cho xã hội.
Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục có giải pháp kéo giảm chi phí đầu tư; công khai, minh bạch thông tin... đã đến lúc phải tổng rà soát, kiểm toán toàn bộ dự án giao thông BOT theo nguyên tắc: lợi ích thu được của đại đa số người tham gia giao thông phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành giao thông cũng như các cơ quan liên quan. Bất kỳ dự án nào đi ngược nguyên tắc này cần phải được xem xét lại, thâm chí thu hồi, xóa bỏ nhằm đảm bảo công bằng cho người sử dụng, tránh tạo ra những bất ổn trong xã hội.
Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết. Phần lớn dự án BOT được đầu tư trong những năm qua đã, đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Tuy vậy, các dự án BOT giao thông chỉ có ý nghĩa thực sự và phát huy vai trò tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông.
Trong bối cảnh năng lực tài chính của nhà đầu tư trong nước tới hạn, khả năng cung cấp vốn của cơ quan tín dụng đã chạm trần, trong khi nhu cầu nhu cầu vốn cho các dự án BOT vẫn rất quay quắt, thông điệp của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khi trả lời báo giới rằng, phải tiết kiệm từng đồng tiền thuế, phí của nhân dân, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá, có lẽ là lối ra cho bài toán khó giải này.