Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Nhận diện đầy đủ rủi ro
Theo ông Ned White, chuyên gia quốc tế về PPP, cần phải xác định mọi rủi ro liên quan đến dự án cụ thể, phân tích mức độ của từng rủi ro và xác suất xảy ra. Từ đó quyết định cách phân bổ từng rủi ro cho khu vực Nhà nước và tư nhân. Việc xác định, phân tích và phân bổ rủi ro tốt sẽ hỗ trợ soạn thảo hợp đồng PPP đầy đủ, rõ ràng ở giai đoạn đấu thầu và giúp các nhà đầu tư yên tâm tham gia vào dự án.
Với kinh nghiệm tư vấn nhiều dự án PPP trên thế giới, ông Ned White chỉ ra 22 loại rủi ro thường gặp trong dự án PPP và tác động đến dự án như thế nào. Có thể kể đến như rủi ro về khả năng tiếp cận đất đai khi không có hoặc chưa lấy được mặt bằng cho dự án, không xác định được chi phí và thời gian phải mất để lấy được mặt bằng. Rủi ro này có thể làm tăng chi phí xây dựng cao hơn mức dự kiến, làm chậm đáng kể tiến độ xây dựng và phát sinh chi phí lãi suất, làm chậm thời gian có nguồn thu của dự án.
Rủi ro về môi trường như dự án gây tác động lớn đến môi trường tự nhiên xung quanh, dẫn đến nhà đầu tư có thể phải trả chi phí lớn để giảm thiểu hoặc khắc phục các thiệt hại môi trường, có thể phải nộp phạt rất nhiều, hoặc phải ngừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong thiệt hại môi trường.
Khả năng tiếp cận và chuyển nguồn vốn cũng là rủi ro lớn đối với nhà đầu tư. Nhà đầu tư quốc tế có thể đứng trước rủi ro không có ngoại tệ để vốn hóa vốn đầu tư thành các ngoại tệ mạnh, lợi nhuận từ dự án không chuyển được ra công ty mẹ ở nước ngoài. Nếu rủi ro này tồn tại trong giai đoạn đấu thầu thì nhà đầu tư quốc tế sẽ không tham gia dự thầu và cuộc thầu có thể thất bại; nếu rủi ro này tồn tại trong giai đoạn vận hành thì nhà đầu tư sẽ không có lợi nhuận như dự kiến, nên có thể xảy ra tranh chấp, chấm dứt hợp đồng.
Trong khi đó, Nhà nước thường nhận rủi ro trong giai đoạn chuyển giao dự án. Tình trạng tài sản dự án vào lúc kết thúc hợp đồng để chuyển giao cho Nhà nước không phù hợp với quy định của hợp đồng về tiêu chuẩn bảo trì và kết quả thực hiện có thể làm tăng chi phí cho Chính phủ và cơ quan nhà nước để cải tạo, sửa chữa tài sản được chuyển giao để đảm bảo vận hành.
Chia sẻ rủi ro hợp lý
Với dự án PPP nói chung, dự án BOT giao thông nói riêng, thường là các dự án lớn, thời gian hoàn vốn dài, nhà đầu tư sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thực tế hiện nay, khi cân nhắc đầu tư các dự án PPP, sự quan ngại hầu như vẫn tập trung vào các rủi ro của Nhà nước, của ngân hàng, của người dân, hầu như ít bàn đến những rủi ro cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư than rằng lợi nhuận không tương xứng với rủi ro.
Từ thực tiễn triển khai Dự án Hầm Đèo Cả theo hình thức hợp đồng BOT và BT, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho biết, có rất nhiều rủi ro phát sinh trong thực tế thực hiện dự án, như việc phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng khi dự án đưa vào khai thác, trong khi việc quản lý chất lượng dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác kiểm soát phương tiện, tải trọng, ý thức của người tham gia giao thông. Trong khi thực hiện Dự án Hầm Đèo Cả, nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro về giá vật tư nguyên liệu, định mức. Nhà đầu tư đã chủ động vay vốn ứng trước cho các nhà sản xuất để bình ổn giá vật liệu chính. Trong thực tế, giá vật liệu tại địa phương không điều chỉnh theo kịp biến động giá thị trường, nhu cầu về vật liệu, tiến độ, các định mức và các khung tiêu chuẩn kỹ thuật hiện tại đã không còn phù hợp. Ngoài ra, còn rủi ro về phần vốn góp của Nhà nước trong dự án bố trí không đủ, không kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ chung; rủi ro về thu phí liên quan đến sự thay đổi mức thu phí và lưu lượng xe;…
Rủi ro rất lớn mà nhà đầu tư Dự án Hầm Đèo Cả gặp phải là về giải phóng mặt bằng và tái định cư. Theo kế hoạch thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được bàn giao vào quý I/2013 cho các hạng mục chính, nhưng việc này kéo dài đến tháng 8/2014. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách bố trí cho GPMB không đủ, không kịp thời nên khi triển khai nhà đầu tư đã vay vốn để thực hiện công việc này. Khi toàn bộ công tác GPMB và tái định cư đã thực hiện xong nhà đầu tư vẫn chưa được hoàn trả vốn đầy đủ. Hàng trăm tỷ đồng vốn của doanh nghiệp đã ứng trước, mà chủ yếu là vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp dù chưa được thanh toán vẫn phải trả lãi. Đây là rủi ro rất lớn và thường gặp trong các dự án BOT giao thông.
Từ góc độ khác – góc độ của người đóng phí, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ông đã tiếp cận nhiều hợp đồng BOT, gần như từ đầu chí cuối là bảo vệ nhà đầu tư. Rủi ro nào cũng tính đến tăng thời gian thu phí hoặc tăng mức phí. Nhưng rủi ro của người dân chính là người đóng phí thì không có cơ chế nào giải quyết, không có điều khoản nào yêu cầu nhà đầu tư phải giãn, giảm thu phí khi người đóng phí có rủi ro.