Chặn chỉ định thầu dự án do nhà đầu tư đề xuất

(BĐT) - Thực trạng chỉ định thầu cho chính nhà đầu tư lập đề xuất dự án khiến cho môi trường đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam thiếu cạnh tranh, minh bạch, chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. 
Hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Ảnh: Lê Tiên
Hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Ảnh: Lê Tiên

Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đưa ra nhiều quy định được xem là sẽ làm thay đổi tình trạng này, đặc biệt là quy định về phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP.

Chỉ định thầu là khởi nguồn của nhiều hệ lụy

Theo Bộ Tài chính, các dự án BOT thời gian qua đều do nhà đầu tư đề xuất và thực hiện chỉ định nhà đầu tư. Bộ này kiến nghị phải hạn chế chỉ định nhà đầu tư, quy định rõ ràng, cụ thể và hướng đến bãi bỏ hình thức chỉ định nhà đầu tư trong tương lai gần.

Trước thực tế hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện chính sách về PPP theo hướng chỉ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; giá trúng thầu của nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu rộng rãi là giá trị cuối cùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực thanh quyết toán.

Chỉ định thầu được đánh giá là khởi đầu của nhiều hạn chế lớn đối với các dự án BOT, BT được chỉ ra thời gian qua, như giá công trình không sát, năng lực nhà đầu tư không đảm bảo, dẫn đến chất lượng công trình kém, nguy cơ thất thoát… Nếu đấu thầu rộng rãi, nhiều vấn đề chắc chắn sẽ được hạn chế, tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Quan điểm của Chính phủ từ những văn bản chính sách pháp luật đầu tiên về PPP đều chủ trương khuyến khích đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn dẫn đến việc chỉ định thầu “đúng quy trình”, nghĩa là đã thực hiện đúng các quy định, nhưng do chỉ có một nhà đầu tư quan tâm, tham gia nên phải chỉ định và đa phần đó là nhà đầu tư đề xuất dự án. 

Chỉ định thầu, chính nhà đầu tư đề xuất sẽ chịu hệ quả

Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/6/2018 đã có nhiều quy định để hạn chế chỉ định thầu các dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất. Trong đó, theo nhiều chuyên gia, quy định tại Điều 11 cùa Nghị định 63/2018/NĐ-CP chính là “nút” để giải quyết vấn đề này.

Cụ thể, Khoản 6 Điều 11 quy định, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP quy định, tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này chỉ được bố trí khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Khoản 2 Điều 11 quy định về vốn góp của Nhà nước. Theo đó, vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT.

Khoản 3 Điều 11 quy định về vốn thanh toán cho nhà đầu tư, gồm vốn thanh toán cho nhà đầu tư được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BLT, BTL; vốn thanh toán cho nhà đầu tư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Như vậy, nếu các dự án PPP do nhà đầu tư lập đề xuất dự án, sau đó chỉ định thầu, sẽ không được bố trí phần vốn góp của Nhà nước bao gồm nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; và không được bố trí vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với hợp đồng BTL, BLT.

Như vậy, có thể thấy trong nhiều trường hợp nếu chỉ định thầu dự án do nhà đầu tư đề xuất đồng nghĩa với việc khó có thể thực hiện được dự án PPP, vì không được bố trí nguồn thanh toán hay không được bố trí vốn góp của Nhà nước, trong đó bao gồm cả đất đai.

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 63/2018/NĐ-CP do Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, đại diện một số sở KH&ĐT đặt vấn đề dự án đã đưa ra sơ tuyển rộng rãi, nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, chứ không phải là xác định hình thức chỉ định thầu ngay từ đầu thì có chịu sự điều chỉnh của quy định này? Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT khẳng định, theo quy trình, sơ tuyển xong mới lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư được ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư là cơ sở để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Vì thế, dù chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển dẫn đến chỉ định thầu thì vẫn không được bố trí phần tham gia của Nhà nước như quy định tại Điều 11.

Với những quy định này, dự án do nhà đầu tư đề xuất vẫn có thể được bố trí phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP theo quy định, nếu đấu thầu cạnh tranh, tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư phải lựa chọn dự án tốt, có tính cạnh tranh, hấp dẫn các nhà đầu tư khác tham gia.

Chuyên đề