Ban hành Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT: Thêm thuận lợi cho hoạt động đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT thay thế Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Với việc bổ sung và cập nhật, chuẩn hóa các mẫu hồ sơ đấu thầu, Thông tư số 22 sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thêm thuận lợi trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu.
Việc bổ sung mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) sẽ tạo thuận lợi và giúp các chủ đầu tư có thêm lựa chọn để thực hiện đấu thầu qua mạng gói thầu quy mô lớn. Ảnh: Hoàng Hà
Việc bổ sung mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) sẽ tạo thuận lợi và giúp các chủ đầu tư có thêm lựa chọn để thực hiện đấu thầu qua mạng gói thầu quy mô lớn. Ảnh: Hoàng Hà

Ban soạn thảo cho biết, quá trình thực hiện Thông tư số 06 đã phát sinh yêu cầu cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định. Cần ban hành một số tài liệu đấu thầu mới để đáp ứng yêu cầu thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo quy định tại Điều 50, Điều 55 Luật Đấu thầu và điểm d khoản 8 Điều 97 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, một số hồ sơ đấu thầu mới được quy định tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP như mua sắm trực tuyến, chào giá trực tuyến chưa được cập nhật, hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 06. Một số quy định của Thông tư số 06 cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đồng thời chủ động cập nhật các quy định mới tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8). Hơn nữa, các quy định mẫu hợp đồng xây dựng cũng cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hài hòa với quy định của pháp luật về xây dựng, tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Một số quy định mới tại Thông tư số 22/2024 sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm chi phí cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình tham dự thầu.

Thông tư số 22 gồm 33 điều và 42 mẫu hồ sơ, 8 phụ lục kèm theo; trong đó bổ sung các mẫu hồ sơ mới, gồm: mẫu hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST); hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ; mẫu HSMT gói thầu mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ; mẫu hồ sơ chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường, quy trình rút gọn; mẫu hồ sơ mua sắm trực tuyến; các biểu mẫu để thực hiện việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm (HSMQT), HSMST, HSMT, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bộ KH&ĐT cho biết, Thông tư số 22 bổ sung quy định về hợp đồng điện tử và kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với Kho bạc Nhà nước để tạo thuận lợi trong việc lưu trữ, thanh toán hợp đồng. Thông tư số 22 làm mới quy định về hợp đồng tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, cho phép chủ đầu tư lựa chọn tính chất tương tự của hợp đồng theo lĩnh vực tổng quát hoặc theo lĩnh vực tổng quát và mã HS để tạo thuận lợi cho việc xác định tính chất hợp đồng tương tự; chỉnh sửa quy định về quy mô hợp đồng tương tự gói thầu mua sắm hàng hóa từ 70% xuống 50% để thống nhất với quy mô hợp đồng tương tự gói thầu xây lắp. Đồng thời sửa đổi quy định về nguồn lực tài chính, nhân sự chủ chốt theo hướng cho phép chủ đầu tư chọn áp dụng hoặc không áp dụng cam kết cung cấp tín dụng nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong quá trình xác định năng lực tài chính của nhà thầu; cho phép chủ đầu tư căn cứ vào quy mô, tính chất gói thầu để xác định yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với chỉ huy trưởng công trường, cán bộ phụ trách kỹ thuật, an toàn lao động và các vị trí công việc quan trọng khác cho phù hợp, tránh lạm dụng, tùy tiện đưa ra các yêu cầu quá cao làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu...

Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT bổ sung mẫu hồ sơ mời thầu gói thầu mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT bổ sung mẫu hồ sơ mời thầu gói thầu mượn thiết bị y tế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, Thông tư số 22 quy định theo hướng giảm giá trị hợp đồng tương tự từ 50% xuống 30% và cho phép cộng gộp các hợp đồng tương tự cho từng hạng mục đối với gói thầu có nhiều hạng mục độc lập để tăng tính cạnh tranh.

Nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình quản lý nhà thầu phụ, Thông tư số 22 bổ sung quy định cho phép thành viên liên danh được sử dụng nhà thầu phụ tương ứng với tỷ lệ công việc đảm nhận trong liên danh.

Bên cạnh đó, Thông tư số 22 cũng bổ sung quy định về việc xác định loại kết cấu, cấp công trình để tránh cách hiểu khác nhau khi đánh giá HSDT (loại kết cấu, cấp của công trình được xác định tại thời điểm phê duyệt dự án); sửa đổi quy định về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng để tăng tính linh hoạt, chủ động cho nhà thầu khi thực hiện bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng, đồng thời giảm chi phí tham dự thầu, đặc biệt đối với nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Phương Quý, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Môi trường SFC cho biết, việc bổ sung mẫu HSMST, HSMT gói thầu hỗn hợp (EP, EC, PC, EPC) sẽ tạo thuận lợi và giúp các chủ đầu tư có thêm lựa chọn để thực hiện đấu thầu qua mạng, tăng tính minh bạch cho việc lựa chọn nhà thầu. Trước đây, khi chưa có mẫu HSMT của gói thầu hỗn hợp, một số chủ đầu tư rất lúng túng khi tổ chức đấu thầu qua mạng, thường phải dựa vào mẫu HSMT của gói thầu xây lắp, vừa khó trong thực hiện, lại khiên cưỡng khi xây dựng và phê duyệt HSMT.

Ông Nguyễn Đại Kiên, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Đức Tín đánh giá, những điểm mới của Thông tư số 22 như: cho phép chào giá trực tuyến, ký hợp đồng điện tử, phê duyệt hồ sơ đấu thầu qua mạng… tạo thuận lợi trong việc lưu trữ, thanh toán hợp đồng của cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư, đặc biệt là những gói thầu giá trị nhỏ, chủ đầu tư và nhà thầu có khoảng cách địa lý xa nhau. Điều này sẽ gián tiếp giúp nhà thầu không ngại tham dự các gói thầu ở vùng miền khác nhau, nhất là các gói thầu tư vấn, tạo điều kiện cho công tác đấu thầu ngày càng minh bạch, cạnh tranh và hướng đến sự hoàn thiện.

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, một số quy định có hiệu lực từ ngày 1/12/2024 gồm: quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 20 của Thông tư 22 và các nội dung khác có liên quan đến phê duyệt HSMQT, HSMST, HSMT, kết quả sơ tuyển, mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với lựa chọn nhà thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quy định tại các điểm c, d và điểm đ khoản 12 Điều 4 của Thông tư 22/2024 và các nội dung khác có liên quan đến chào giá trực tuyến gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn theo quy trình rút gọn và chào giá trực tuyến theo quy trình rút gọn trong trường hợp xử lý tình huống theo quy định tại Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Điều 32 Thông tư 22 đã quy định cụ thể về các trường hợp chuyển tiếp và Điều 33 quy định việc lập HSMT đối với lựa chọn nhà thầu không qua mạng; trường hợp gói thầu đặc thù; trường hợp các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu cần bảo mật và không thể công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, người có thẩm quyền quyết định việc đăng tải thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư