Tại danh mục thiết bị điện tử, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của hãng sản xuất hoặc đại diện hãng sản xuất tại Việt Nam (bản gốc). Ảnh: NC st |
Gói thầu nói trên có giá dự toán 21,061 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong dự toán ngân sách, đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 31/3 - 20/4/2022. Gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa là chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Sake (địa chỉ tại Thanh Hóa) làm bên mời thầu.
Theo phản ánh, HSMT yêu cầu nhiều “giấy phép con” đối với hàng hóa được xem là phổ biến, thông dụng trên thị trường, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh tại cuộc thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận là nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất, hoặc thư hỗ trợ của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối hoặc đại lý sản phẩm của nhà sản xuất đối với thiết bị dự thầu.
Riêng tại danh mục thiết bị điện tử (gồm: ti vi (259 chiếc); máy tính xách tay (213 bộ); cân điện tử; nhiệt kế điện tử), HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của hãng sản xuất hoặc đại diện của hãng sản xuất tại Việt Nam (bản gốc).
Bên cạnh đó, HSMT còn áp dụng đánh giá tính hợp lệ của HSDT thông qua quy định “nhà thầu phải xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản (đối với sản phẩm là băng, đĩa, tranh ảnh, bản đồ, bản ghi âm, ghi hình)”. Các nhà thầu cho rằng, quy định này là khiên cưỡng trong trường hợp doanh nghiệp dự thầu chỉ là đơn vị thương mại mà không hoạt động xuất bản, in ấn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà cung cấp đồng quan điểm cho rằng, các loại thiết bị điện tử như máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in, máy photocopy... đều là sản phẩm thông dụng, được chào bán rộng rãi trên thị trường, đồng thời các hãng sản xuất đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành chính hãng theo quy định. Mặt khác, khi chào thầu, nhà thầu đã đề xuất đồng thời các loại văn bản như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q) đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận xuất xưởng hàng hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước; tài liệu kỹ thuật/xác nhận thông số kỹ thuật của nhà sản xuất... Về mặt pháp lý, các loại giấy tờ này đủ chứng minh nguồn gốc, tính hợp lệ của hàng hóa. Do vậy, các yêu cầu về giấy phép bán hàng, cam kết hỗ trợ kỹ thuật hay các dạng tài liệu tương đương (bản gốc) là không phù hợp, gây hạn chế nhà thầu.
Cũng theo các nhà thầu, việc yêu cầu giấy phép bán hàng (bản gốc) tiềm ẩn sự cạnh tranh không bình đẳng, trong trường hợp hãng/đại diện hãng sản xuất chỉ cấp giấy phép này cho một hoặc một số nhà thầu nhất định.
Trong khi đó, Chủ đầu tư lập luận, việc đưa ra các yêu cầu trên nhằm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa chào thầu, đồng thời giảm thiểu trách nhiệm, chi phí phát sinh trong thời gian bảo hành cho nhà thầu.
Theo một chuyên gia đấu thầu, đối với các danh mục hàng hóa thông dụng, trường hợp hàng hóa cần cung cấp có số lượng lớn, HSMT cần nhấn mạnh vào các tiêu chí liên quan đến khả năng cung ứng sản phẩm của nhà thầu, thay vì thêm vào các yêu cầu kỹ thuật vượt chuẩn, dễ gây hạn chế cạnh tranh. “Liên quan đến các sản phẩm xuất bản, nhà thầu có thể chứng minh nguồn gốc, bản quyền tác giả bằng việc đề xuất các tài liệu do đơn vị có chức năng xuất bản, phát hành cung cấp, thay vì phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm như yêu cầu tại HSMT”, vị chuyên gia bình luận.
Hiện tại, Bên mời thầu đang đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 2 nhà thầu gồm: Liên danh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Vinh - Công ty TNHH Thiết bị trường học Phục Hưng; Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Sơn - Công ty TNHH Thiết bị công nghệ Sun Edu.