Đánh thuế bất động sản theo hướng nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết đang rà soát các luật thuế để đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản (BĐS). Một số ý kiến cho rằng, cần đánh thuế cao với diện tích đất không sử dụng, thuế lũy tiến theo diện tích đất sử dụng. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, việc đầu tiên là cần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn diện, đầy đủ để đảm bảo công bằng trong tính thuế.
Nhiều quốc gia trên thế giới đánh thuế rất cao với bất động sản không sử dụng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều quốc gia trên thế giới đánh thuế rất cao với bất động sản không sử dụng. Ảnh: Lê Tiên

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính mới đây, cử tri TP.HCM cho rằng, thị trường BĐS chưa thật sự lành mạnh, đã và đang xảy ra nhiều cơn sốt đất và giá đất tăng liên tục, gây khó khăn cho người có thu nhập thấp thực sự cần nhà ở.

Cử tri kiến nghị cần có quy định thuế suất cao đối với những trường hợp đầu cơ BĐS, ví dụ như đánh thuế đối với nhà sở hữu, đất nhận chuyển nhượng thứ hai trở đi.

Cũng liên quan đến hoạt động giao dịch BĐS, cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Nhà nước nên có chính sách đánh thuế lũy tiến trên số tài sản BĐS và giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất nhằm tạo sự công bằng, bình ổn chính sách thuế trong lĩnh vực BĐS.

Trả lời kiến nghị, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với BĐS đã cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến BĐS phát sinh trong cả ba giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS (lệ phí trước bạ); sử dụng, khai thác BĐS (thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) và chuyển nhượng BĐS (thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS).

Tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã quy định áp dụng mức thuế suất lũy tiến đối với người sử dụng nhiều thửa đất ở trong phạm vi cấp tỉnh (0,03% đối với diện tích trong hạn mức; 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức); áp dụng mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định (0,15%); đất lấn, chiếm (0,2%).

Như vậy, việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với BĐS thời gian qua đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, từng bước hạn chế đầu cơ BĐS, hạn chế việc sử dụng lãng phí đất đai, khuyến khích thị trường BĐS phát triển lành mạnh.

Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp, xây dựng báo cáo rà soát các luật thuế để đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến BĐS, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến BĐS và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.

Liên quan nội dung này, tại Hội nghị Phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS, hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, đầu cơ, găm giữ BĐS và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chính sách thuế với BĐS theo các cách khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu đánh thuế BĐS không phải nhằm tăng thu ngân sách nhà nước mà là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phòng chống tham ô, hối lộ và góp phần đảm bảo công bằng trong nền kinh tế. Trong đó, giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng và phù hợp với Việt Nam là đánh thuế trên diện tích sử dụng. Tức là, sẽ đánh thuế rất cao với BĐS không sử dụng. Với BĐS sử dụng, cách tính thuế sẽ căn cứ theo diện tích tính trên đầu người. Sử dụng vượt định mức thì chịu thuế và mức thuế tăng lũy tiến.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu đánh thuế tài sản với nhà thì căn cứ tính thuế là giá thị trường chứ không phải là giá theo quy định của cơ quan nhà nước. Theo đó, mức thuế nên căn cứ theo vị trí của tài sản. Chẳng hạn, không thể tính thuế một nhà miền núi ở Yên Bái rộng 5.000 m2 được bán với giá 300 triệu đồng bằng một căn nhà phố vài chục tỷ đồng ở trung tâm các thành phố lớn; không thể áp dụng cùng một mức thuế cho căn chung cư 100 m2 và nhà đất có cùng diện tích.

“Việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê và quản lý tài sản của người dân đầy đủ để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà. Bên cạnh đó, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp để bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao”, ông Đức nói.

Chuyên đề