Cụ thể hóa chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Trong những năm qua, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử của Việt Nam hoàn toàn phát triển tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào sự “định hướng” từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà chưa có các chính sách ưu tiên nào. 
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu bức thiết của mọi nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu bức thiết của mọi nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm

Sự ra đời của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển CNHT.

Vẫn ở giai đoạn đầu

Phát triển CNHT là yêu cầu bức thiết của bất cứ nền kinh tế nào, bởi đây chính là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một nền công nghiệp bền vững. Nhờ có CNHT, các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa. Quan trọng hơn, các DN nội địa có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, sau hơn 30 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bước đầu phát triển CNHT.

Theo bà Trương Thị Thúy Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT thuộc Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam có từ năm 2011 với sự ra đời của Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT và sau đó là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Tuy nhiên, ở Quyết định 12 có chính sách hỗ trợ nhưng lại không quy định mức ưu đãi gì cho CNHT, mà chỉ quy chiếu về những văn bản luật, nghị định có sẵn từ trước dành cho DN nhỏ và vừa. Ở văn bản này, chỉ có Điều 4 là có quy định ưu đãi phát triển CNHT nhưng DN phải “xin” thì Chính phủ mới “cho” ưu đãi, chứ không có quy định cụ thể nào trong đó. Chính vì thế, sau gần 5 năm thực hiện (đến khi Nghị định 111 ra đời) thì chỉ có duy nhất 1 DN xin được ưu đãi, và đó lại là DN FDI (Nhật Bản).

Sau khi Nghị định 111 ra đời, trong năm 2016, đã có 7 - 8 DN xin được giấy phép để được hưởng những ưu đãi trong CNHT. Lần này, đã có 4 - 5 DN nội địa được hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, hạn chế của văn bản này là không quy định những ưu đãi trực tiếp trong CNHT một cách mạnh mẽ, chương trình hỗ trợ cũng không nhiều. 

Tiếp tục trông chờ vào thực thi Quyết định 68

Nhờ công nghiệp hỗ trợ mà các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm được nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Mãi đến cách đây vài tháng, Chính phủ có Quyết định 68 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên Chính phủ dành nguồn lực cụ thể cho phát triển CNHT, đặc biệt là các DN nội địa, với nhiều chương trình nâng cao năng lực DN, liên kết DN nội địa với các DN FDI trong tìm thị trường, hỗ trợ về công nghệ mới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xét riêng trong lĩnh vực CNHT điện tử thì thời gian qua sự phát triển của DN CNHT điện tử là hoàn toàn tự phát và phụ thuộc vào sự phát triển của các DN FDI.

Ngoài những định hướng hỗ trợ từ Chính phủ, DN CNHT điện tử cần có những nghiên cứu sâu hơn trong việc định vị DN Việt Nam trên bản đồ điện tử thế giới, sản phẩm nào Việt Nam nên ưu tiên phát triển.

Chia sẻ từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, trong quá khứ, đất nước này thậm chí đã xây dựng chính sách tầm văn bản luật, trong đó chỉ hẳn ra danh mục những sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, con số cũng như luận cứ để sản xuất sản phẩm CNHT đó rất rõ ràng. Danh mục này được xây dựng dựa trên nhu cầu, bảng thu thập câu hỏi khảo sát từ phía các DN FDI, bởi những DN này quyết định CNHT sẽ đi đâu, về đâu. “Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia dường như đang điều khiển mạng lưới sản xuất của họ, nếu muốn tham gia thì phải phụ thuộc vào nhu cầu, định hướng của họ. Không có cách nào khác cả”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Chuyên đề