TP.HCM “tăng ga” bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cả nước, TP.HCM đã sớm được xây dựng các chính sách đặc thù để phát triển. Nếu tính từ Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay là Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, TP.HCM đã nhận được những ưu đãi, cơ chế đặc thù tối đa để phát huy trọn vẹn tiềm lực.
TP.HCM được thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách địa phương cho bồi thường, tái định cư ở các khu vực gần nhà ga metro, nút giao Vành đai 3. Ảnh: Đông Giang
TP.HCM được thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách địa phương cho bồi thường, tái định cư ở các khu vực gần nhà ga metro, nút giao Vành đai 3. Ảnh: Đông Giang

30 cơ chế đặc thù đi vào cuộc sống

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trong các chủ trương, quyết định liên quan đến các ưu đãi, chính sách đặc thù cho TP.HCM, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98) được đánh giá có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ, quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và TP.HCM. Cụ thể, Quốc hội đã trao cho TP.HCM 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực; HĐND Thành phố có 14 nhiệm vụ, 13 thẩm quyền; UBND Thành phố có 6 nhóm nhiệm vụ. Đặc biệt, Chính phủ đánh giá, chưa có khung chính sách đặc thù nào được Chính phủ và các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ, làm ngày làm đêm để hoàn thiện, sớm ban hành như Nghị quyết 98.

“Chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và TP.HCM. Ở cấp địa phương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành, tổ giúp việc, hội đồng tư vấn với mục tiêu cao nhất là triển khai nhanh các cơ chế vào cuộc sống, tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực. Nhờ sự nỗ lực, đồng bộ đó, trong 44 cơ chế đặc thù, đến nay có 30 cơ chế đã được áp dụng, 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do có quy định mới, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn”, ông Hoan nhấn mạnh.

Với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách, TP.HCM đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công hỗ trợ lãi suất các dự án được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên; chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ, 5 đơn vị đăng ký chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện...

Tính riêng lĩnh vực quản lý đầu tư, TP.HCM đã bố trí 3.794 tỷ đồng vốn đầu tư công hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 9 vị trí phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); ban hành danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; thông qua 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu theo loại hợp đồng BOT. Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM chia sẻ, từ cuối năm 2023 đến hết quý III/2024, TP.HCM đã công bố nhiều dự án PPP để thu hút nhà đầu tư ở quy mô TP.HCM lẫn cấp TP. Thủ Đức.

Đáng chú ý, TP.HCM đã triển khai 9/10 cơ chế về tổ chức bộ máy chính quyền, giúp giải quyết nhanh hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.

Tăng sức hấp dẫn cho từng dự án

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, 30/44 cơ chế được triển khai đang góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đó. Các chỉ tiêu kinh tế đạt được 9 tháng đầu năm như tăng trưởng GRDP (6,85%), thu ngân sách (76,9% dự toán), sản xuất công nghiệp (chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 6,9%), bán lẻ hàng hóa, dịch vụ... có sự trợ lực từ các cơ chế đặc thù.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nhờ áp dụng nhiều chính sách đặc thù, Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đã có những bước tiến đáng khích lệ. Cụ thể, nhờ được bố trí vốn dồi dào, Thành phố tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư tại Dự án thành phần 2 với tổng mức đầu tư 25.610 tỷ đồng, đến nay đã bàn giao 47,2/47,35 km chiều dài toàn tuyến (đạt 99,68%). Trong tháng 11 này, 100% mặt bằng của Dự án sẽ được bàn giao cho các nhà thầu thi công đồng loạt.

Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ (Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi), việc phân bổ kinh phí kịp thời đã giúp làm chủ tiến độ phần xây lắp. Công tác chuẩn bị vốn cho giai đoạn mua sắm thiết bị đã sẵn sàng để kịp thời tổ chức mua sắm, đưa 3 dự án vào hoạt động.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng nhìn nhận, Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để khơi nguồn lực và để TP.HCM được phân cấp, phân quyền, chủ động hơn, nhưng cả 2 việc trên đều chưa đạt như mong muốn. Cụ thể, các dự án huy động nguồn lực tư nhân vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Theo phân tích của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, về pháp lý, các cơ chế, chính sách vượt trội là thí điểm nhưng vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành. Chưa kể, các quy trình, thủ tục đều do bộ, ngành ban hành chứ chưa phân cấp cho UBND TP.HCM. Do đó, khi có những phát sinh, Thành phố mất nhiều thời gian, thủ tục để tìm hướng xử lý, lỡ nhiều cơ hội.

Ngoài ra, một cơ chế rất được kỳ vọng trong việc khai phóng nguồn lực đất đai là phát triển đô thị theo mô hình TOD, đến nay mới dừng ở việc xác định 9 vị trí phù hợp dọc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và Vành đai 3. Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách địa phương cho bồi thường, tái định cư ở các khu vực gần nhà ga metro và nút giao Vành đai 3. Nếu cơ chế này được triển khai đồng bộ, ước tính mang về cho ngân sách thành phố khoảng 100.000 tỷ đồng, góp phần tái cấu trúc không gian đô thị. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho biết, chưa nhận thấy rõ những ưu đãi đặc thù khi tham gia phát triển đô thị theo định hướng này.

TP.HCM kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ thực sự trở thành “phễu” giúp địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm lực thông qua các dự án mẫu mực. Đơn cử, với 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu với quy mô hơn 38.000 tỷ đồng (chỉ duy nhất TP.HCM được triển khai trên cả nước), TP.HCM đã chỉ đạo đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời mời tất cả các nhà đầu tư, nhà thầu thi công công trình giao thông trọng điểm tham gia đóng góp hoàn thiện các phương án từ thiết kế kỹ thuật đến tài chính. “Thành phố mong muốn các dự án hạ tầng theo chính sách đặc thù sẽ được triển khai bài bản, hấp dẫn, minh bạch để các nhà đầu tư tham gia cạnh tranh, đồng hành biến các chính sách này thành động lực tăng trưởng, đột phá cho TP.HCM cũng như cho toàn vùng”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Chuyên đề